Dân Việt

Thương hiệu Khaisilk và nỗi đau mang tên lụa "made in China"

Thanh Xuân 26/10/2017 11:03 GMT+7
Câu chuyện ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, chính thức thừa nhận đã bán khăn lụa tơ tằm xuất xứ "made in China" và xin lỗi người tiêu dùng đang làm nóng dư luận. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm tới thực chất những chiếc khăn lụa có xuất xứ từ Trung Quốc mà Khaisilk bán có chất lượng như thế nào?

img                   

Bảng giá các sản phẩm lụa tơ tằm tại Hàng Châu, Trung Quốc cũng cao ngất chứ không hề thấp hơn giá của khăn lụa Khaisilk hàng xịn. (Ảnh: T.X)

Khăn lụa tơ tằm Trung Quốc cũng rất nhiều loại, nhiều giá

Là một doanh nghiệp làm ăn nhiều năm với Trung Quốc, ông Alonso VinDas người Costa Rica chia sẻ, cách đây 1 năm ông nhập áo sơ mi tại Trung Quốc với giá chỉ 2,1USD/chiếc nhưng giờ giá đã tăng lên hơn 6USD/chiếc. 

“Nguyên nhân chính là do giá nhân công của Trung Quốc hiện tại đã đắt hơn Việt Nam rất nhiều. Có thể 10 năm sau, việc sản xuất ra các sản phẩm quần, áo tương tự Việt Nam lại đắt hơn Trung Quốc. Nhưng hiện tại ấn tượng khi tôi tìm đến Việt Nam là giá thành đã rẻ hơn rất nhiều”, ông VinDas cho biết.  

Vấn đề ở chỗ, Khaisilk "đặt hàng" doanh nghiệp Trung Quốc làm khăn lụa tơ tằm với cấp nào, với mức giá nào. Điều này sẽ quyết định tới chất lượng của khăn. Nhưng dù gì thì cái tiếng "treo đầu dê, bán thị chó" sẽ còn đeo bám rất lâu nữa với thương hiệu khăn lụa tơ tằm Khaisilk. 

Cũng theo ông VinDas, hàng loạt các sản phẩm dệt may khác của Trung Quốc hiện nay đã có giá đắt hơn của Việt Nam từ 1 đến 5 lần, tùy từng loại sản phẩm do chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã vượt cao hơn so với Việt Nam rất nhiều.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc bây giờ có nhiều đơn hàng để lựa chọn. Còn công nhân của họ cũng không đi làm bằng xe đạp, xe máy như trước đây nữa mà chủ yếu đi ô tô. Chính vì vậy, để đặt một đơn hàng với giá hợp lý như trước đây là không dễ dàng nữa”, ông VinDas cho biết.

Ông VinDas kể, cách đây 2 tháng, ông có dịp trực tiếp tới Hàng Châu, thủ phủ của lụa tơ tằm Trung Quốc với các thương hiệu nổi tiếng như Cathay Corp, High Fashion Corp, Han Silk… Chỉ riêng việc xuất khẩu lụa tơ tằm của Hàn Châu mỗi năm cũng lên tới 10 tỷ USD.

Tại một xưởng sản xuất lụa tơ tằm truyền thống, đoàn của ông VinDas được đi thăm từ vườn dâu cho đến quy trình nuôi tằm, quy trình lấy kén, kết sợi, dệt vải và cuối cùng là công đoạn cho ra sản phẩm. Tại xưởng giới thiệu sản phẩm từ chăn bông tơ tằm, đệm tơ tằm, quần, áo tơ tằm… đều có giá từ 2 triệu – 10 triệu Việt Nam đồng.

Thứ mà nhiều chị em quan tâm nhất chính là khăn tơ tằm nhưng khi tới gian trưng bày sản phẩm với bạt ngàn khăn thì cái khăn nhỏ bằng chiếc khăn mùi xoa của trẻ con rẻ nhất cũng có giá khoảng 300.000 đồng.

“Tôi rất thích các sản phẩm lụa tơ tằm của Hàng Châu, đặc biệt là khăn nhưng khi xem giá thì thấy đắt quá. Sang đây mới biết, hàng Trung Quốc nếu có thương hiệu và chất lượng tốt giá cũng khác hẳn”, một du khách của Việt Nam chia sẻ sau khi xem khăn tại TP Hàng Châu.

Vấn đề chính ở chỗ, Khaisilk "đặt hàng" doanh nghiệp Trung Quốc làm khăn lụa tơ tằm với cấp nào, với mức giá nào. Điều này sẽ quyết định tới chất lượng của chiếc khăn. Nhưng dù gì thì cái tiếng "treo đầu dê, bán thị chó" sẽ còn đeo bám rất lâu nữa với thương hiệu khăn lụa tơ tằm Khaisilk. Thậm chí còn hơn thế nữa!

Mất mát lớn nhất là niềm tin của khách hàng

Có lẽ, cứ nhắc đến sản phẩm của Trung Quốc là nhiều người lại bị “dị ứng” ngay lập tức nên khi biết Khaisilk bán khăn lụa tơ tằm Trung Quốc, cộng đồng đã phản ứng vô cùng gay gắt. Giả sử, nếu Khaisilk bán khăn lụa tơ tằm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… liệu người tiêu dùng có phản ứng hay không?

Nhưng nếu nhìn lại, mỗi người Việt đã bao giờ tự hỏi, từ đồ ăn, thức uống, đến quần áo, phương tiện đi lại… tất cả những thứ trên người có bao nhiêu % là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc? Vì sao người tiêu dùng lại mất niềm tin với hàng Trung Quốc như vậy?

img

Ông Alonso VinDas Doanh nghiệp Costa Rica (áo đỏ) khẳng định các sản phẩm dệt may của Trung Quốc đặt hơn Việt Nam. (Ảnh: T.X)

Chúng tôi thừa nhận là có nhiều doanh nghiệp làm ra các sản phẩm chất lượng thấp với giá rẻ mạt để cạnh tranh không lành mạnh. Câu chuyện xe máy Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 là một ví dụ điển hình. Lúc đầu, một doanh nghiệp đưa xe máy chất lượng rất ổn bán sang Việt Nam với giá hơn 20 triệu đồng. Thấy tiêu thụ tốt, doanh nghiệp khác lại sản xuất loại xe giá rẻ hơn nữa. Rồi cứ như vậy, giá xe xuống còn 15 triệu và cuối cùng chỉ còn 5 triệu đồng. "Tiền nào của đấy”, nếu thương nhân của Việt Nam đặt hàng chất lượng tốt với giá thành cao thì doanh nghiệp Trung Quốc vẫn sản xuất được hàng chất lượng”, một doanh nhân Trung Quốc chia sẻ.

Đánh mất niềm tin của khách hàng là tổn hại lớn tới thương hiệu, uy tín nên ông chủ của Khaisilk khi trả lời báo chí cũng đã dự đoán, Khaisilk sẽ gặp phải khủng hoảng và phải mất một thời gian dài nữa mới có thể hồi phục lại.

Trở lại với câu chuyện của Khaisilk, dù ông chủ của nhãn hàng đã dũng cảm cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và sẵn sàng đổi lại sản phẩm cho những ai đã mua phải khăn “made In China”, tuy nhiên, cái mà Khaisilk đánh mất không phải là tiền mà chính là niềm tin của khách hàng đã đặt vào thương hiệu Khaisilk hàng chục năm qua.

Khi khách hàng không còn niềm tin, quay lưng lại với Khaisilk thì thử hỏi Khaisilk họ sẽ bán sản phẩm cho ai? Và ngay cả những lĩnh vực khác mà ông Hoàng Khải đang đầu tư như du lịch, ẩm thực, bất động sản... cũng sẽ ảnh hưởng theo.

Dân Việt đặt câu hỏi với ông Alonso VinDas người Costa Rica rằng: Giá áo sơ mi và nhiều mặt hàng dệt may khác ở Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, liệu ông có chuyển các đơn hàng sang Việt Nam không?

Ông VinDas cho biết: “Chúng tôi có công ty tư vấn khá chuyện nghiệp (VietGO). Tôi đã làm việc với 5 doanh nghiệp của Việt Nam về dệt may và có ý định chuyển dần đơn hàng sang các doanh nghiệp của Việt Nam bởi ấn tượng đầu tiên là giá thành rẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thử sản phẩm trước vì thấy cách quản lý của nhiều doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam còn luộm thuộm, không biết có đáp ứng yêu cầu hay không”, ông VinDas chia sẻ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tuấn Việt – Giám đốc Công ty TNHH VietGO - đơn vị đang tư vấn cho hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là giá nhân công rẻ nên tạo được thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực và thế giới.

"Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp Việt còn rất thiếu ngoài kinh nghiệm đàm phán quốc tế thì ngay từ quản lý sản phẩm, quản lý thương hiệu và xây dựng niềm tin còn rất yếu và thiếu. Vì thế, nhiều khi có thể không cố ý mà chỉ vô tình doanh nghiệp cũng làm mất luôn niềm tin của khách hàng”, ông Việt phân tích.

Trước đó, một doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.

Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.

Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.

Về việc có gắn mác với nội dung “made in China”, vị này cho biết nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay thuộc mẫu 55 x 55 cm. Theo đó, nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, do bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.

img