Dân Việt

"Nếu ông Võ Đình Thường phấn đấu tốt thì cần ghi nhận"

Việt Tường 26/10/2017 12:44 GMT+7
"Người ta phấn đấu tốt trở lại phải công nhận. Anh Thường được đưa về phòng CSGT nên điều tiếng, chứ nơi khác thì không sao", một Phó giám đốc công an tỉnh nói.

Trước khi được xóa kỷ luật, công an sai phạm phải làm thủ tục tự phê rồi đề nghị lên lãnh đạo đội để được xem xét.

Trao đổi với Zing.vn, một đại tá công an phụ trách công tác tổ chức nhân sự cho biết sau 14 năm bị cách chức, Trưởng trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Dầu Giây ở Đồng Nai, thượng tá Võ Đình Thường hoàn toàn có thể lên chức phó trưởng phòng nếu phấn đấu tốt.

Theo vị đại tá, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ từng bị kỷ luật như ông Thường sẽ được thực hiện trong thời gian tối thiểu một năm kể từ ngày nhận quyết định cách chức. Ở đội trưởng hoặc trưởng trạm, cấp ra quyết định kỷ luật là Ban giám đốc Công an tỉnh.

img

Thượng tá Võ Đình Thường. Ảnh: Người Lao Động.

"Sau một năm bị kỷ luật, ông Thường sẽ thực hiện việc tự phê bình, nhận xét quá trình phấn đấu để gửi lãnh đạo cấp đội. Đội trưởng hoặc bí thư chi bộ nơi ông ấy công tác sẽ họp. Nếu thấy cá nhân bị kỷ luật phấn đấu tốt thì đội đề nghị phòng xem xét xóa án kỷ luật", vị cán bộ làm công tác tổ chức nói.

Khi nhận được đề nghị từ đội, lãnh đạo phòng sẽ họp rồi có văn bản đề nghị Giám đốc Công an tỉnh xóa kỷ luật cho ông Thường nếu thống nhất ý kiến với cấp đội.

"Cấp nào kỷ luật thì cấp đó xóa kỷ luật. Hết thời gian chịu kỷ luật, ông Thường phấn đấu bình thường như những cá nhân khác. Nếu phấn đấu tốt thì không cần chờ 1 hay 2 năm mà vài tháng sau ông Thường có thể được đề bạc lên đội phó vì không có quy định nào hạn chế thời gian", vị lãnh đạo công an một tỉnh ở miền Tây nói.

Sau một thời gian làm đội phó, cá nhân từng bị kỷ luật phấn đấu tốt sẽ được lên đội trưởng và tốt nữa sẽ lên chức phó phòng và trưởng phòng là điều bình thường. Bộ Công an cũng không có quy định người từng bị đưa ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông thì không được trở về làm lãnh đạo phòng cảnh sát giao thông mà Ban Giám đốc Công an tỉnh phải xét tình hình thực tế và nhu cầu công tác để bố trí cán bộ cho phù hợp.

"Làm cách mạng đôi khi bị sai sót nhưng người ta phấn đấu tốt trở lại thì anh phải công nhận và được thăng tiến là điều bình thường. Theo tôi, anh Thường được đưa về phòng CSGT nên điều tiếng, chứ nơi khác thì không sao đâu, bởi lực lượng này cũng 'nhạy cảm', chứ trong ngành không có cấm", một Phó giám đốc công an tỉnh chia sẻ với Zing.vn.

Trước đó, thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an Đồng Nai, ký giấy mời tài xế lên làm việc vì cho rằng họ có hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa, đặt trên quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Sau vụ việc này, nhiều người lật lại hồ sơ của ông Thường và cho rằng ông có quá trình thăng tiến bất thường.

Theo thông tin xác minh, năm 2003 ông Võ Đình Thường (lúc đó mang hàm đại úy, Trưởng trạm CSGT Dầu Giây) bị báo chí phanh phui về việc ông cùng các chiến sĩ có hành vi tiêu cực.

Công an Đồng Nai và các cơ quan chức năng sau đó vào cuộc làm rõ vụ việc. Đến tháng 6.2003, Công an Đồng Nai cách chức ông Võ Đình Thường và xử lý sai phạm, tiêu cực với 10 thuộc cấp của cán bộ này. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Thường thừa nhận từng bị kỷ luật vào năm 2003. Ông nói: "Tôi rất mệt mỏi vì những điều trên mạng xã hội. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống của tôi và gia đình".

img

Đồ họa: Minh Trí.