Dân Việt

Mạnh tay đình chỉ 11 giáo viên dạy thêm

22/10/2011 14:03 GMT+7
Hôm qua (21.10), ông Nguyễn Cửu Cần, Trưởng phòng Tổ chức Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết quyết định kỷ luật 11 giáo viên của tỉnh là kết quả sau hơn một tháng kiểm tra các điểm dạy thêm trên toàn tỉnh.

Trước đó, ngày 20.10, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định đình chỉ giảng dạy đối với 11 giáo viên ở chín trường THPT.

img
Cần có chính sách hỗ trợ để giáo viên đủ sống mới hạn chế được “biến tướng” của dạy thêm, học thêm. Trong ảnh: Một giờ học của thầy trò Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM). Ảnh: QV (Ảnh mang tính minh họa)

Trong số các giáo viên này, tám người bị đình chỉ giảng dạy 15 ngày và ba người bị đình chỉ giảng dạy 30 ngày, đồng thời xử phạt hành chính mỗi trường hợp từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Được biết qua thanh tra, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi phát hiện các giáo viên nói trên đã vi phạm quy định dạy thêm, học thêm tại nhà như: Không có giấy phép dạy thêm, không có cam kết với thủ trưởng đơn vị về việc dạy thêm, không có phiếu thu tiền học phí, vượt quá số lượng 25 học sinh/lớp, thậm chí có những lớp học thêm lên tới 120 em, có thầy giáo thu nhập 60 triệu đồng/tháng từ dạy thêm.

Theo ông Cần, số giáo viên bị đình chỉ này mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm và ngành phải làm mạnh để răn đe chung.

Ông Cần nói: “Việc xử lý vi phạm kỷ luật này lãnh đạo ngành căn cứ theo nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức, công chức. Hiệu trưởng có giáo viên vi phạm cũng bị làm kiểm điểm trách nhiệm của mình gửi về Sở để định lượng hướng xử lý kỷ luật”.

Ông Cần cho biết trước đây Sở cũng đã từng kỷ luật sáu giáo viên vi phạm việc dạy thêm, học thêm với hình thức đình chỉ nhưng chưa “ăn thua” lắm. Chiều hướng giáo viên vi phạm càng tràn lan dù ngành đã thông báo nhắc nhở nhiều lần.

“Hiện nay, phụ huynh ở Quảng Ngãi quá bức xúc, lên án về việc thầy, cô o ép học sinh đi học thêm với nhiều chiêu thức khác nhau nên ngành cần làm mạnh để răn đe chung, chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức người thầy” - ông Cần nói.

Ông Cần cũng cho biết thêm, việc đình chỉ giảng dạy của những giáo viên rải rác ở chín trường thuộc các huyện khác nhau nên không ảnh hưởng đến việc học của các em. Sở đã chỉ đạo trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng cử người vào giảng dạy thay cho giáo viên vi phạm.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều đề xuất từ ngành là chuyển các giáo viên tái phạm lên vùng cao. Dư luận đang rất ủng hộ việc làm này của ngành giáo dục Quảng Ngãi” - ông Cần khẳng định.

Giữa năm 2010, một khảo sát dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ cho số liệu trên 45% phụ huynh thừa nhận việc học thêm là gánh nặng tâm lý, thời gian và tài chính. 40%-45% giáo viên thừa nhận việc dạy thêm của mình làm cho phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm. Và đến 72% phụ huynh nghĩ rằng chỉ học chương trình chính khóa cho con là không đủ. Và đặc biệt, theo điều tra, trên 575 giáo viên cho rằng có những người không giỏi vẫn tự mình tổ chức dạy thêm.

Về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, khảo sát này cho biết tần suất tham gia học thêm 44% là do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng… Có đến 82%-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người đều quen cho con học thêm.
Theo Pháp Luật TP.HCM