Dân Việt

Khaisilk bán khăn giả: Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Minh Phong 27/10/2017 11:01 GMT+7
Đại diện Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn cho rằng việc bán hàng tráo nguồn gốc của Khaisilk rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, mức độ vi phạm đến đâu cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Buôn bán hàng giả

Như Dân Việt đã thông tin, một người tiêu dùng  đã phát hiện cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “KHAISILK – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”. Khách hàng còn phát hiện nhiều chiếc khăn khác của Khaisilk có dấu hiệu của cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.

Trên báo chí, ông chủ của thương hiệu Khaisilk đã thừa nhận bán khăn lụa có nguồn gốc Trung Quốc cùng khăn Việt Nam trong nhiều năm qua.

img

Hành vi bán hàng nhập nhèm nguồn gốc của Khaisilk đã được khách hàng Đặng Như Quỳnh phát hiện. Ảnh: FB nhân vật. 

Theo đánh giá của đại diện Công ty TNHH Luật Lê Nguyễn, hành vi trên đã vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định xác định: hàng giả bao gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. 

Đồng thời, hàng giả sử dụng tem, nhãn, bao bì giả gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

“Đối chiếu với vụ việc của Khaisilk cho thấy, hãng này đã có hành vi nhập hàng hóa từ Trung Quốc về sau đó cắt bỏ mác sản phẩm, gắn mác in tên hãng này, nơi sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích lừa dối đối với người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm để trục lợi trong kinh doanh. Đơn vị này đã có hành vi buôn bán hàng giả nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng, khiến nhiều người nhầm tưởng đây là sản phẩm cao cấp do chính Khaisilk sản xuất” – đại diện Công ty TNHH Luật Lê Nguyễn đánh giá.

Dù các sản phẩm đơn vị này nhập về từ Trung Quốc có thể có chất lượng tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với sản phẩm tự sản xuất nhưng việc để nguồn gốc hàng hóa không chính xác như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích và niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, theo Điều 130 Luật Sở Hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hành vi gắn nhãn mác hàng hóa không đúng nguồn gốc lên sản phẩm khăn tơ lụa của Khaisilk còn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh.

Dấu hiệu vi phạm hình sự

Theo luật sư, biện pháp xử lý đối với vi phạm của Khaisilk sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, căn cứ vào số lượng, giá trị hàng hóa nhập nhèm nguồn gốc đã được hãng này bán ra thị trường.

Theo Điều 13 Nghị định số 124/2015/NĐ_CP xác định hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thể bị phạt tiền, mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

img

Cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Bông đã đóng cửa sau khi bị phát hiện bán hàng gian dối. Ảnh: ĐT

Đồng thời, đơn vị vi phạm buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, mác sản phẩm hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc thu hồi, tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; buộc đưa khỏi Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hành vi nhập khẩu hàng giả.

“Trường hợp nếu Khaisilk đã có hành vi buôn bán hàng giả từ rất lâu, quy mô kinh doanh lớn, giá trị hàng giả vi phạm tương đương với hàng thật từ 30 triệu  đồng trở lên thì có thể bị xử lý vi phạm theo chế tài Hình sự” – đại diện Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn nói.

Cụ thể, theo Điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người có hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng... thì bị phạt tù 6 tháng đến 5 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp hoặc giá trị hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị lớn từ 500 triệu đồng trở lên thì mức xử lý hình sự sẽ nặng hơn. Căn cứ vào hành vi vi phạm và quy mô buôn bán hàng hóa, giá trị hàng hóa mà chủ thể vi phạm sẽ phải chịu chế tài xử lý tương ứng.

Người tiêu dùng cần xem xét cẩn thận, chú ý rõ ràng về tem mác sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, chất liệu sản phẩm, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng...Trường hợp nếu đã mua sản phẩm mà phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường thì cần nhanh chóng liên hệ với người bán hoặc nhà sản xuất để yêu cầu giải trình cụ thể.

Trường hợp người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng có thể đề nghị Cơ quan quản lý thị trường, Cơ quan Công an điều tra làm rõ.