Nhiều chuyên gia kì vọng vũ khí laser sẽ là trụ cột quan trọng trong tương lai.
Trên chiến trường, bên cạnh người lính và chỉ huy tài tình thì vũ khí hiện đại đóng vai trò rất quan trọng cho chiến thắng. Hiện nay, xu thế phát triển vũ khí đang đi theo nhiều hướng khác nhau, ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Loạt bài sau đây giới thiệu những loại vũ khí thông minh, ưu việt và sẽ sớm trở thành nền tảng cho chiến tranh tương lai. |
Diệt máy bay nhanh như tia chớp
Jim Sciutto và van Heerden là hai phóng viên kì cựu của kênh truyền hình CNN, Mỹ. Trung tuần tháng 7.2017, họ được tổng biên tập gọi điện khẩn và yêu cầu lên đường tới vịnh Ba Tư ngay lập tức. Cả hai phóng viên chuyên về quân sự không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, cho tới lúc họ chứng kiến những điều “không thể tin nổi vào mắt mình”, theo lời Jim.
Hệ thống Vũ khí Laser, hay gọi tắt là LAW, lần đầu tiên được quân Mỹ thử nghiệm tại vịnh Ba Tư. Đây là thiết bị laser đầu tiên trên thế giới, hứa hẹn đặt nền móng quan trọng cho những cuộc chiến trong tương lai, nơi bom đạn sẽ lùi vào dĩ vãng.
Video thử nghiệm vũ khí laser bắn hạ máy bay không người lái.
Thiết bị laser hình trụ như chiếc kính viễn vọng đặt trên tàu đổ bộ-vận tải USS Ponce, sẵn sàng nhắm bắn vào các máy bay giả định trong cuộc diễn tập. Suốt mấy tháng qua, Đại úy Christopher Wells cùng đồng đội đã diễn tập khá nhiều trước khi màn trình diễn có mặt các phóng viên được thực hiện.
“Nó chính xác hơn cả một viên đạn”, Wells rạng rỡ trả lời phóng viên CNN. “Vũ khí laser không chỉ sử dụng được trên trời mà còn cả dưới đất. Nó có thể sử dụng ở hầu như mọi mục tiêu khác nhau. Trên trời, dưới biển, đều bị tiêu diệt”.
Vũ khí laser LAW có lợi thế cực lớn mà chưa có vũ khí nào đạt đến mức độ này: tốc độ ánh sáng. Để so sánh, tốc độ của nó gấp 50.000 lần tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman 3 hiện đại nhất thế giới ngày nay. Tên lửa Minuteman 3 của quân đội Mỹ có thể bay với vận tốc 28.000 km/giờ.
“Nó phóng ra một luồng photon ánh sáng vào vật thể của đối phương”, đại tá Cale Hughes giải thích. “Chúng tôi không phải lo lắng về sức gió, tầm xa. Tóm lại, chúng tôi không phải lo về bất cứ điều gì. Vũ khí này có thể tấn công mọi mục tiêu với tốc độ ánh sáng. Thế là đủ hiểu sức mạnh của nó”.
Để thử nghiệm tính năng, vũ khí LAW được nhắm bắn một máy bay không người lái. Đây là vũ khí ưa thích được Iran, Triều Tiên, Trung Quốc hay Nga thường xuyên sử dụng và quan tâm phát triển. “Chúng tôi chỉ cần nhắm vào mục tiêu và bắn. Thế là xong. Đơn giản”, Đại úy Wells nói.
Vũ khí laser gắn trên tàu USS Ponce.
Khi vừa ấn nút khai hỏa, luồng laser phóng đi với vận tốc mắt thường không thể nhìn thấy. Điều duy nhất mà hai nhà báo Jim và van Heerden biết là cánh của chiếc máy bay không người lái chao đảo rồi toàn bộ máy bay rớt rầm xuống biển. Vụ tấn công diễn ra chớp nhoáng và im lặng.
“Nó hoạt động với một luồng sóng điện từ nên bạn không thể thấy được. Tiếng động cũng không hề xuất hiện. Hoàn toàn im ắng và hiệu quả thì khỏi bàn”, Hughes tự hào nói. Hải quân Mỹ cũng tuyên bố, vũ khí mới này sẽ giúp giảm tối đa tổn thất khi giao chiến.
Hệ thống này có giá 40 triệu USD và vận hành chỉ bằng nguồn điện do lò phản ứng nhỏ cung cấp. Tổ điều khiển có ba người và không cần cấp bất kì viên đạn nào. Chi phí sử dụng cũng cực rẻ. Hughes nói rằng “mỗi lần bắn chỉ tốn 1 USD”.
Vũ khí của tương lai
Ảnh minh họa dùng vũ khí laser bắn cháy máy bay.
Đại tá Hughes nói rằng trong vòng 3 năm nữa, vũ khí laser LAW của quân đội Mỹ sẽ chính thức được đưa vào biên chế. “Tới lúc đó, sức mạnh và độ chính xác của nó còn khủng khiếp hơn nhiều”, Hughes nói.
Một trong những tham vọng khác của Hải quân Mỹ là chế tạo thế hệ vũ khí laser thứ 2, có thể bắn các mục tiêu nhanh hơn máy bay không người lái, đó là tên lửa. Kế hoạch phát triển loại vũ khí thế hệ mới này vẫn là bí ẩn nhưng các chỉ huy và binh sĩ của tàu Ponce hiểu rất rõ tiềm năng của loại vũ khí này. Khi phóng viên CNN hỏi Wells rằng liệu vũ khí LAW có thể bắn hạ tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo, vị đại úy này chỉ mỉm cười và nói “rất có thể”.
Vũ khí laser từ lâu đã là thứ mà mọi quân đội trên thế giới mong mỏi sở hữu. Từ năm 1960, laser lần đầu tiên được giới thiệu bởi tiến sĩ Theodore Maiman tại phòng nghiên cứu Hughes bang California. Lúc đó, các nhà quân sự đã hy vọng sẽ chế tạo được một loại vũ khí không cần dùng đạn, chỉ cần dùng sức nóng từ laser là đủ bắn cháy máy bay, tàu chiến đối phương. Tuy nhiên, rào cản công nghệ là điều khiến ước mơ này chưa thể thực hiện.
Trở ngại lớn nhất ngày nay với thiết kế vũ khí laser là nguồn phát điện đủ mạnh. Nếu gắn vũ khí laser lên các máy bay cỡ lớn như AC-130 với nguồn phát 150 kW thì độ phá hủy lớn nhất của nó lên mục tiêu chỉ bằng kích cỡ chai bia.
Mỹ đang cải tiến để gắn vũ khí laser lên máy bay chiến đấu F-35.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đang tìm cách gắn vũ khí laser lên máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới F-35. Ngoài ra, họ dự định cải tiến để có thể gắn vũ khí laser lên vận tải cơ AC-130 hoặc máy bay ném bom B-1, B-2. Dự tính của tập đoàn là tới năm 2020, loại vũ khí hứa hẹn này có thể được sử dụng rộng rãi.
Rào cản khác ngăn cản vũ khí laser có thể được ứng dụng rộng rãi là chưa ai tính toán chính xác vũ khí laser gây ra mức độ tấn công thế nào. Nếu ném một quả bom 5 tấn hoặc phóng quả tên lửa 10 tấn, các nhà khoa học có thể tính trước được chu vi tấn công và mức độ phá hoại.
Ngoài ra, một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) nhấn mạnh, chùm tia laser chỉ chiếu được theo đường thẳng, không thể nhắm bắn mục tiêu ngoài đường chân trời vì Trái đất hình cầu. Phạm vị tác chiến hiệu quả của vũ khí laser cũng có thể suy giảm đáng kể bởi các yếu tố không lường trước trong bầu khí quyển.
___________
Hết
Đây được mệnh danh là loại vũ khí mạnh nhất lịch sử chỉ sau vũ khí hạt nhân.