Dân Việt

Ngoài FPT, những trường nào cho trả học phí bằng tiền ảo bitcoin?

Hoàng Nhật (Tổng hợp) 27/10/2017 18:48 GMT+7
Không chỉ ĐH FPT, nhiều trường đại học khác trên thế giới đã cho phép sinh viên thanh toán học phí bằng tiền ảo bitcoin.

img

ĐH FPT sẽ là ngôi trường đầu tiên cho phép thanh toán học phí bằng Bitcoin? (Ảnh: I.T)

Bitcoin tăng giá 700.000 lần trong 7 năm

Nếu nhà đầu tư bỏ ra 1.000 USD để mua Bitcoin với giá chỉ 0,05 USD/Bitcoin vào năm 2010, tài sản của họ lúc này có thể đã vượt mốc 100 triệu USD.

Nhìn lại lịch sử tăng trưởng của đồng tiền này, có thể bắt đầu từ năm 2008 khi một người hoặc tổ chức có tên Satoshi Nakamoto đã tạo ra loại tiền này. Ưu điểm của loại tiền tệ này là nó không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai, kể cả chính phủ hay những người tạo ra nó. Ngoài ra, bitcoin cho phép cá nhân gửi tiền qua lại với chi phí gần nhưng bằng 0.

Vào năm 2010, thời điểm lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa, đồng tiền này chỉ có giá trị khoảng 1/4 Cent (1USD = 100 Cent). Khi đó, một lập trình viên có tên Laszlo Hanyecz đã bỏ ra 10.000 bitcoin để mua 2 chiếc pizza Papa John's. Hanyecz tin rằng số Bitcoin anh “đào” được bằng máy tính của mình có giá 0,003 USD mỗi đồng.

img

Giá bitcoin đã tăng 500% kể từ đầu năm 2017 (Nguồn: Bloomberg)

Và tất cả không thể ngờ rằng, sau 7 năm, giá trị của đồng tiền Bitcoin đã tăng chóng mặt. Tháng 5.2017, 1 Bitcoin có giá trị khoảng 2.200 USD. Tới giữa tháng 10.2017,  giá tiền ảo Bitcoin đã thiết lập một kỷ lục mới khi lên gần 5.400 USD/bitcoin nhờ mức độ quan tâm ngày càng mạnh mẽ của giới đầu tư.

Tới 25.10, Bitcoin đã đạt mốc 6.031 USD/Bitcoin. Như vậy, tính riêng trong năm 2017, Bitcoin đã tăng trưởng hơn 500% .

Giá trị vốn hóa của Bitcoin có thể vượt Apple?

Theo một thông tin đăng tải trên Russia Today, ông Ronnie Moas - nhà sáng lập kiêm giám đốc Standpoint Research đã đưa ra dự báo giá bitcoin sẽ đạt 5.000 USD khi nó vẫn còn đang được giao dịch ở mức 2.600 USD.

Ông Moas cho biết trong 5 năm tới, đồng tiền ảo có giá trị cao nhất thế giới có thể vượt giá trị vốn hóa của Apple. Theo số liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá trị vốn hóa của bitcoin hiện hơn 95 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị vốn hóa ngân hàng Goldman Sachs là 95,31 tỉ USD, còn của Apple là 807,89 tỉ USD.

Trong khi đó, nhà phân tích Kay Van-Petersen cho rằng, giá của Bitcoin có khả năng vượt qua mức 100.000 USD trong vòng 10 năm tới.

Kay Van-Petersen giả định các loại tiền ảo nói chung - không chỉ là bitcoin - sẽ đạt 10% khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của tiền chính thống (fiat money, hay là tiền pháp định) trong 10 năm tới. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), khối lượng giao dịch hối đoái hằng ngày hiện ở mức hơn 5 nghìn tỷ USD.

10% của 5.000 tỷ USD là 500 tỷ USD. Đây là khống lượng giao dịch trung bình mà tiền ảo có thể đạt được trong 10 năm tới. Bitcoin sẽ chiếm 35% số này, nghĩa là một lượng bitcoin trị giá 175 tỷ USD sẽ được giao dịch mỗi ngày.

Lãi lớn, rủi ro nhiều

Tiền ảo Bitcoin có giá trị thực, có thể được dùng trong các giao dịch thương mại cụ thể, từ đặt bánh pizza đến mua máy tính. Bên cạnh đó, Bitcoin còn được sử dụng trong các hoạt động cá cược.

Tuy vậy, hiện nay vẫn chưa có ngân hàng trung ương nào đứng ra quản lý Bitcoin. Ở Việt Nam, ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, NHNN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này.

img

Việc đầu tư cho Bitcoin được đánh giá là không an toàn. (Ảnh: I.T)

Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

“Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”, NHNN nêu quan điểm.

Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Những ngôi trường nào nhận học phí bằng Bitcoin?

Ở các quốc gia khác, đầu năm 2016, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã đề xuất thay đổi về mặt pháp lý nhằm xác định Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác được xem như tiền tệ hợp pháp.

Còn ở Thụy Sỹ, ĐH Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật Lucerne - một trường ĐH nổi tiếng, được thành lập vào năm 1997 chuyên đào tạo các khóa học bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức, đã hợp tác với Bitcoin Suisse AG một chi nhánh của ngân hàng Thụy Điển Falcon Group đã chấp nhận cho sinh viên thanh toán học phí bằng Bitcoin với mong muốn sinh viên muốn sinh viên làm quen với các khái niệm về Fintech và Blockchain.

Ở Đức, trường kinh doanh quốc tế ESMT Berlin – một trường ĐH chuyên ngành đào tạo về kinh doanh hàng đầu tại Đức, nơi cấp bằng MBA, tiến sĩ và thạc sĩ được công nhận vừa qua cũng đã chấp nhận bitcoin đóng học phí và cấp giấy chứng nhận. Đây có thể là đại học đầu tiên của Đức chấp nhận thanh toán bằng tiền tệ điện tử.