Dân Việt

Indonesia chiếu xạ tuyển giống đậu nành chịu lụt, kháng sâu rầy

Tháng 9.2017, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã quyết định chọn một dòng giống đậu nành cải tiến được phát triển bằng các kỹ thuật hạt nhân...

Tempeh làm từ đậu nành lên men, là món ăn quen thuộc, thường được dùng với gạo và nước thịt. Do dân số và tiêu chuẩn sống tăng trong hai thập kỷ qua, mức tiêu thụ cũng tăng theo đáng kể và Indonesia không còn tự túc trong sản xuất tempeh. Đến nay nước này đang nhập gần 60% tổng số 2,2 triệu tấn đậu nành hàng năm.

Là một phần của kế hoạch an ninh lương thực, Chính phủ muốn đảo ngược xu hướng đó, và tăng cường đáng kể sản xuất trong nước vào những năm tới. Điều đó đòi hỏi một dòng giống phù hợp với khí hậu nhiệt đới của đất nước, cho năng suất cao và kháng được sâu rầy.

img

Dòng đậu nành do nông dân Gatot Gatot trồng đã được phát triển bằng chiếu xạ. Bộ Nông nghiệp đã chọn để nhân giống trong kế hoạch an ninh lương thực của Indonesia. Ảnh: IAEA

Bộ Nông nghiệp hiện đã chọn một dòng giống của cơ quan Hạt nhân năng lượng quốc gia (BATAN) dành cho việc sản xuất đại trà và phân bổ cho nông dân nhờ các ưu điểm của giống, Lukman Hakim, viên chức phụ trách dự án, nói. Dòng giống tên là Mutiara 1 được phát triển qua chiếu xạ, một quy trình thường áp dụng để tạo ra giống mới và những đặc tính thuận lợi cho cây trồng. “Nông dân ưa thích dòng Mutiara, vì nó chịu được lụt cũng như úng, và nhất là hạt lớn hơn các dòng hiện nay”, ông nói.

IAEA hợp tác với FAO hỗ trợ Indonesia trong việc sử dụng bức xạ trong nghiên cứu nông nghiệp và phát triển, trong đó có phát triển các dòng giống nâng cao nhằm cải thiện sản xuất.

Thu nhập cao hơn cho nông dân

Mutiara 1 có nhiều lợi thế hơn so với dòng đậu nành bản địa, Gatot Gatot, một trong 12 nông dân ở trung tâm vùng trồng đậu nành miền Đông Java đã sử dụng dòng giống mới.

img

“Cây đậu thấp hơn và mạnh hơn, chịu được gió và kháng bệnh”, ông nói. Quan trọng hơn nữa là năng suất – trên 3 tấn/ha – cao hơn 25% so với các dòng giống địa phương. Hạt giống lớn hơn và chất lượng cao hơn, bán được 6.500 – 7.000 rupiah/kg (0,48 – 0,52 USD), so với giá dưới 6.000 rupiah của các loại đậu địa phương. “Với từng đó lợi thế, bảo sao không tốt hơn”, Gatot nói.

200 nông dân trong làng này hầu hết thích trồng Mutiara 1, nhưng hiện nay chưa đủ giống để cung cấp cho họ, A. Sidik Tanoyo, một viên chức nói.

Thay vì bán đậu để làm tempeh, sản lượng của Gatot và những người hàng xóm của ông sẽ được bộ Nông nghiệp mua lại, cung cấp cho các nông dân khác muốn trồng giống mới. “Sau hai đến ba năm, Mutiara 1 sẽ trở thành tiêu chuẩn của khu vực”, Tanoyo nói.

Trong lúc ấy, các chuyên gia của BATAN sẽ tiếp tục phát triển những dòng mới, cải thiện những đặc tính của chúng. Mutiara 1 không phù hợp lắm trong mùa mưa khi hạt của chúng ngả màu nâu và kém nứt mầm, Azri Kusuma Dewi, một chuyên gia giống cây trồng tại trung tâm Ứng dụng đồng vị và bức xạ của BATAN ở Jakarta, cho biết. Do đó, giống được yêu cầu trồng trong mùa khô, còn các dòng địa phương được duy trì để canh tác vào nửa cuối năm. “Chúng tôi cần tối ưu hoá hơn nữa Mutiara 1, bằng cách tạo ra các đột biến và nhân một dòng khác dành cho mùa mưa”, bà nói.

Tạo các dòng giống mới bằng kỹ thuật hạt nhân

Dòng đậu nành Mutiara 1 được phát triển qua một quá trình tạo giống bằng đột biến. Được áp dụng từ những năm 1930, để đẩy nhanh quá trình phát triển và chọn lọc các đặc tính nông nghiệp mới có giá trị, tạo giống bằng đột biến gen chính của cây trồng, mô phỏng quá trình đột biến tự phát tự nhiên. Tiến trình đột biến cho ra các biến thể di truyền ngẫu nhiên giúp cho cây trồng có được các đặc tính mới và hữu ích.

Các chuyên gia BATAN dùng tia gamma để tạo ra các đột biến và đẩy nhanh đáng kể quá trình đột biến tự nhiên. Sau khi chiếu xạ, họ sẽ test các đặc trưng của cây trồng đột biến, và chọn những đặc tính hữu ích cho lần nhân giống sau và từ đó phân phối đến nông dân.