Bệnh không chừa ai
Danh sách trên chắc chắn còn dài, chưa kể những người tàn phế vì đột quỵ, bởi theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất thế giới (sau bệnh tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu.
Một bệnh nhân đột quỵ được chữa trị ổn định tại bệnh viện đại học Y dược TP.HCM
Theo TS.BS Trần Chí Cường, chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, bệnh đột quỵ thật sự nguy hiểm vì có thể xảy đến bất kỳ tuổi nào và thời điểm nào. Ông nói: “Mỗi năm thế giới có 15 triệu người đột quỵ. Cứ mỗi 45 giây qua đi có một người đột quỵ mắc mới và cứ mỗi 3 phút trôi qua lại có một người tử vong vì đột quỵ. Đột quỵ không chừa một ai”.
BS Cường cho biết đột quỵ là tình trạng ngưng cung cấp máu cho não và dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh. Có hai loại đột quỵ: nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu) chiếm 80% và xuất huyết não (vỡ mạch máu) chiếm 20%. Sự nguy hiểm của đột quỵ ở chỗ là 1/3 trường hợp gây ảnh hưởng nhẹ lên bệnh nhân, 1/3 trường hợp gây tàn phế nặng và 1/3 trường hợp gây tử vong.
Tại nước ta, theo giới chuyên môn số ca đột quỵ não đang tăng nhanh, trung bình có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Ghé đến bất kỳ bệnh viện đa khoa lớn nào ở TP.HCM, người ta dễ dàng chứng kiến cảnh quá tải bệnh nhân đột quỵ. Thống kê cho thấy mỗi năm tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có 120.000 lượt bệnh nhân điều trị đột quỵ, trong đó có người mắc mới và có cả người bị đột quỵ tái phát.
Nhưng không chỉ tăng về “lượng”, đột quỵ còn tăng về “chất” khi bệnh này đang tấn công cả người trẻ, đối tượng mà theo lý thuyết khó mắc bệnh. PGS.TS Vũ Anh Nhị, chủ tịch hội Thần kinh học TP.HCM, cho biết đột quỵ não thường được xem là bệnh của người trung bình 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở nước ta những năm gần đây đột quỵ não đang tăng trung bình 2% mỗi năm ở người trẻ.
Một bác sĩ điều trị của khoa bệnh lý mạch máu não bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết sở dĩ người trẻ ngày càng dễ mắc đột quỵ vì những bệnh tiểu đường, tim mạch, hội chứng chuyển hoá, thừa cân béo phì cũng đang trẻ hoá do người trẻ ngày càng ít vận động, sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá và sống căng thẳng. Bác sĩ này nói: “Nước ta đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba châu Á về tiêu thụ rượu, bia, trong đó 1/3 số người bắt đầu uống trước 20 tuổi, 34% uống trong độ tuổi 14 – 17 và 57% trong độ tuổi 18 – 21. Những con số này đã nói lên tất cả”.
Cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng
Làm việc nhiều năm trong lĩnh vực điều trị đột quỵ não, BS Trần Chí Cường cho biết nguy cơ tàn phế và tử vong còn rất cao do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm thời gian đưa bệnh nhân vào viện muộn và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại bệnh viện còn hạn chế.
Thực tế cho thấy tại các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có cả TP.HCM, số bệnh viện tuyến trước thành lập được đơn vị điều trị đột quỵ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lý do này bệnh nhân đột quỵ từ các tỉnh miền Tây gần như được chuyển lên TP.HCM chữa trị và mất khá nhiều thời gian cho việc di chuyển. Từ Cà Mau lên thành phố mất hơn 6 giờ đi xe, từ Châu Đốc lên mất 6 giờ và từ Long Xuyên mất từ 4 – 5 giờ. Trong khi thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là dưới 6 giờ, vì cứ mỗi phút trôi qua ở bệnh nhân đột quỵ 2 triệu tế bào thần kinh sẽ mất đi. Nhưng để cấp cứu đột quỵ thành công, ngoài nỗ lực chuyển viện sớm còn đòi hỏi sự hợp tác của người nhà bệnh nhân. Các chuyên gia cho rằng trong dân chúng nhiều người vẫn nhầm lẫn đột quỵ (có dấu hiệu yếu liệt tay chân, nói khó, liệt mặt một bên…) với chứng trúng gió và xử trí bệnh nhân như người bị trúng gió.
BS Cường nói: “Y học hiện đại không có khái niệm trúng gió. Sự chậm trễ chuyển viện và những sơ cấp cứu sai lầm như cạo gió, chích lể đã làm mất đi ‘thời gian vàng’ quý báu của người bệnh. Chưa kể việc nặn chanh vào miệng bệnh nhân có thể gây tắc nghẽn đường thở, cho bệnh nhân ngửi hương liệu để giúp bệnh nhân tỉnh lại nhưng vô tình gây ra chứng viêm phổi hít”.
Một khảo sát vào năm 2015 của bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho thấy trong số 10.000 bệnh nhân đột quỵ chỉ có 3% đến viện dưới 6 giờ, phần lớn những người này sống ở TP.HCM. Trong khi đó, 97% bệnh nhân đến muộn là từ các tỉnh, trong đó hơn 50% là từ miền Tây. Nhập viện trễ, khả năng điều trị hiệu quả của bác sĩ rất thấp, nhưng nguy cơ tử vong và tàn phế nặng của bệnh nhân lại rất cao.
7 điều đơn giản để phòng ngừa đột quỵ Ngay cả ở Hoa Kỳ, đất nước có nền y khoa tiên tiến bậc nhất thế giới, đột quỵ vẫn là mối đe doạ tử vong và tàn phế hàng đầu. Nhằm kéo giảm 20% nạn nhân đột quỵ trước năm 2020, hiệp hội Tim và hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, đã phát động chiến dịch “Life’s Simple 7” (tạm dịch: Số 7 đơn giản của cuộc sống) trong dân chúng, đó là không hút thuốc, hoạt động thể lực, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng tốt, kiểm soát cholesterol, huyết áp và đường trong máu. |