Ở những cung đường ngập, người dân phải sống trong cảnh khốn khổ cùng cực. Thực tế này đã được báo Thế Giới Tiếp Thị phản ánh thông qua bài viết Kinh hãi đường,hẻm thành ao tù ở Sài Gòn, cách đây hai tuần.
Ngập không chỉ do ở thoát nước mà liên quan đến nhiều thứ khác như rác, như hệ thống thoát nước tự nhiên, như thế chỉ mình máy bơm siêu khủng sao có thể giải quyết nổi vấn nạn ngập.
Nhắc lại để thấy hàng loạt dự án chống ngập với số tiền chục ngàn tỉ đồng, dường như không thể phát huy hiệu quả như sự kỳ vọng ban đầu của chính quyền và người dân TP.HCM. Ngay như con đường Nguyễn Hữu Cảnh – rốn ngập giữa trung tâm thành phố – nhiều năm trời dù các cơ quan có trách nhiệm chống ngập đã tìm mọi cách với hàng đống tiền được bỏ ra, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Trước thực tế ngân sách ngày càng eo hẹp, việc kêu gọi tư nhân cùng chung tay chống ngập (xã hội hoá chống ngập) là chuyện hết sức đúng đắn và nhất thiết phải ủng hộ. Vậy mà, xem ra có không ít người vẫn còn lăn tăn dù chuyện ngập cứ phơi bày ra đó hàng ngày, hàng giờ, gây khổ, gây khó, gây khốn đốn cho vạn người Sài Gòn.
Minh chứng rõ nhất trong việc xã hội hoá chống ngập là câu chuyện máy bơm siêu khủng chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, đang gây sốt dư luận trong nguyên tuần vừa qua. Nó nóng đến mức, chỉ trong vòng hai tuần vừa rồi, nếu thống kê đã có ít nhất 200 bài báo viết về cái dự án máy bơm siêu khủng này. Sự việc càng ngày càng nóng là do lần đầu tiên máy bơm siêu khủng thất thủ trong cơn mưa nhỏ vào trưa 17.10. Chủ đầu tư khẳng định máy bơm vẫn hoạt động bình thường, đường ngập do cống tắc, nước không rút xuống cống để đổ về miệng thu máy bơm. Điều đáng quan tâm là tám lần thử nghiệm trước đó, máy bơm đều thể hiện được tính ưu việt khi giải quyết tình trạng ngập úng. Tin rằng, người đi qua cung đường này khi máy bơm phát huy hiệu quả sẽ cảm nhận được “cái sướng” rõ nhất.
Nhưng thôi, ở đây xin không đi sâu vào nguyên nhân thất thủ trong lần thử nghiệm thứ chín của máy bơm siêu khủng, mà chỉ xin nhắc lại rằng, chúng ta cần phải thừa nhận giải pháp dùng máy bơm của công ty CP tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, tuy không mới, nhưng nó có ưu điểm là công suất vượt trội (27.000 – 96.000m3/giờ) có thể hút một lượng nước rất lớn cho khu vực rộng 75ha trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Bên cạnh đó, đây là công nghệ mới của một doanh nghiệp tư nhân với tâm huyết cùng tham gia chống ngập với thành phố, và điều đó rất đáng quý trong bối cảnh ngân sách thành phố còn phải chi cho nhiều việc khác.
Vậy mà, khi nó vừa thất thủ một lần (dù chính quyền TP.HCM chưa bỏ ra một đồng nào từ ngân sách chi cho dự án này, bởi theo cam kết của chủ đầu tư khi nào máy bơm phát huy hiệu quả đúng như tính toán ban đầu mới tính tiền thuê máy bơm), đã có hàng loạt người “nhào” vào chê bai, trách móc, chửi bới, nghi ngờ… Trong đó, có không ít ý kiến cho rằng mỗi năm bỏ ra 12 tỉ đồng để thuê máy bơm (dù mới ký hợp đồng nguyên tắc) là đắt. Thế nhưng, thử so sánh với những tổn thất bởi tình trạng ngập nước gây ra như xe cộ chết máy, hư hỏng, nước tràn vào nhà dân, chưa kể những rủi ro mà hàng ngàn người dân gặp phải khi vượt qua biển nước có đắt không. Đó là chưa kể, nhiều người chưa biết thông tin nhiều doanh nghiệp trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẵn sàng đóng góp kinh phí cùng thành phố để thuê máy bơm khi vận hành chính thức – nghĩa là thành phố sẽ tốn rất ít tiền ngân sách để cứu ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh – đã vội chê.
Doanh nghiệp rất cần sự ủng hộ để chuyên tâm nghiên cứu giải pháp mới, chứ không phải suốt ngày giải thích cho dư luận, cũng như phải gánh chịu những đòi hỏi kiểu “con bắt bố phải cho ăn”. Đừng vì mới có một lần gặp sự cố mà nhiều người đã nghi ngại cho những công sức, tiền bạc mà chủ đầu tư đã bỏ ra. Nếu như vậy, còn doanh nghiệp nào dám sẵn lòng đầu tư và chung tay cùng chính quyền giải bài toán chống ngập, vốn chưa được các cơ quan có trách nhiệm ở TP.HCM giải quyết rốt ráo và hiệu quả?