Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng dự kiến sẽ được tổ chức vào tối 30.10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong (Ba Đình, Hà Nội) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Mai Tiến Dũng.
Trước đó, ngày 3.10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 842 thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban nghiên cứu) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Sáu thành viên của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân là các doanh nhân “có tiếng”, đại diện cho các cơ quan, tổ chức như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính làm Trưởng ban; Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital, Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới) làm Phó ban.
Các thành viên khác gồm: ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, ông Trần Trọng Kiên - thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch, ông Vũ Văn Tiền - thành viên Ban cố vấn VPSF.
Cũng theo Quyết định 482, Ban nghiên cứu có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc ra quyết định thành lập riêng một ban nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân không lâu sau khi Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 được cho là thể hiện quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam.