Dân Việt

Hé lộ thư tình của cựu Tổng thống Obama thời đại học

Tống Hoa 05/11/2017 08:30 GMT+7
Thư viện Rose của Đại học Emory vừa công bố những lá thư tay được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama viết cho người tình trong mộng mà ông gặp tại California khi còn là sinh viên.

Theo BBC, một số lá thư viết về những sóng gió đầu đời của ông Obama, khi yêu xa và làm công việc mà ông không mấy ưa thích.

Thư viện Rose thuộc Đại học Emory ở bang Georgia (Mỹ) mua lại những bức thư này năm 2014 và mới đây chúng được công bố.

"Đó là những lời lẽ rất hay và hé lộ về một thanh niên đang kiếm tìm ý nghĩa và bản sắc trong cuộc sống. Các bức thư cũng thể hiện khát vọng và những khó khăn mà sinh viên không chỉ ở Mỹ mà cả trên thế giới đều phải đối mặt", Rosemary Magee, Giám đốc thư viện Rose, cho hay.

img

9 lá thư tay chứa đựng suy nghĩ và tình cảm của cựu Tổng thống Obama khi còn là sinh viên. Ảnh: Emory

Yêu xa

Các bức thư được viết cho cô gái Alexandra McNear, vào giữa các năm 1982 và 1984, 5 năm trước buổi hẹn hò đầu tiên với bà Michelle, vợ ông Obama hiện tại.

"Anh tin em có thể cảm nhận được nỗi nhớ anh dành cho em nhiều đến chừng nào, bao la như bầu trời. Tình yêu của anh cũng vậy, dạt dào như biển cả", chàng sinh viên Obama khi ấy viết trong những lá thư đầu tiên. Cuối thư, ông để lại dòng chữ ký đầy cảm xúc: "Barack yêu thương của em".

Tuy nhiên, mối tình yêu xa của tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ không kéo dài.

"Anh thường xuyên nghĩ về em nhưng anh vẫn có những bối rối trong cảm xúc. Có vẻ như chúng ta luôn muốn những gì chúng ta không thể có. Chính nó gắn kết đôi ta nhưng cũng chính nó gây chia rẽ cả 2”, lời lẽ trong thư giải thích nguyên do cuộc tình tan vỡ.

Tìm con đường riêng

Trong một bức thư, ông Obama viết về việc bạn bè đang chuẩn bị định cư hoặc tiếp quản công việc của gia đình. Tuy nhiên, việc sinh ra ở Hawaii, có bố là người Kenya và dành những năm đầu đời sống ở Indonesia khiến ông Obama cảm thấy bản thân khác mọi người.

"Tôi phải thừa nhận là mình ganh tỵ với bạn bè. Không một lớp học, một môi trường hay phong tục nào phù hợp với tôi. Vì vậy, tôi phải tìm ra con đường khác cho mình. Cách duy nhất để xoa dịu cảm giác bị cô lập là tiếp nhận tất cả truyền thống, các lớp học, biến chúng trở thành của mình và mình thuộc về chúng”, chàng thanh niên 21 tuổi tâm sự.

img

Cựu Tổng thống Barack Obama. Bức ảnh được chụp năm 2004. Ảnh: Getty.

Nhưng điều đó không dễ dàng. Khi tốt nghiệp vào năm 1983, trở về Indonesia, nơi ông lớn lên, Obama không còn cảm thấy mình thuộc về nơi đó nữa.

“Tôi không thể nói tốt ngôn ngữ của đất nước này nữa. Mọi người đối xử với tôi bằng những cảm xúc lẫn lộn: Bối rối, tôn kính và cả sự khinh miệt vì tôi là người Mỹ. Tôi thấy những con đường tối tăm, những căn nhà ọp ẹp quanh cánh đồng, những con đường xưa mà tôi không còn có thể đặt chân”.

Cựu tổng thống khi còn trẻ

Obama thời trẻ nhận thấy niềm đam mê làm việc trong các dự án cộng đồng mà sau này chính những điều đó giúp ông trở thành tổng thống. Nhưng giống như nhiều thanh niên khác, Obama cũng đối mặt cuộc sống thiếu thốn.

“Một tuần, tôi không thể trả bưu phí để gửi hồ sơ xin việc và tác phẩm của mình. Tiếp đó, tôi còn không đủ tiền để thuê một người đánh máy”, ông viết năm 1983.

“Tiền lương từ các tổ chức cộng đồng quá ít để sống lúc bấy giờ. Vì vậy, tôi hy vọng làm việc với công suất cao hơn bình thường, giúp tôi tích đủ kiến thức và kinh nghiệm để theo đuổi những đam mê tiếp theo”.

Sau đó, Obama làm việc tại nhà xuất bản Business International, nơi ông trở thành “một trong những chàng trai đầy hứa hẹn”... “Mọi người liên tục vỗ vào lưng và ca ngợi công việc của tôi”, ông viết.

Nhưng chàng trai Obama năm ấy lại lo lắng công việc của công ty có thể đã “khiến các giác quan chậm chạp và thui chột khả năng” và ông bỏ việc ngay sau đó.

Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu trong bài viết về người mà ông có thể trở thành sau này. Trong bức thư năm 1984 gửi đến Alexandra, Obama cho rằng những gì ông làm có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn.

“Ý tưởng của anh không phải kết tinh trong trường học, nhưng chúng có tầm nhìn và trọng lượng. Chúng có thể hữu ích hơn nếu anh bắt tay vào làm và có nhiều người tham gia", ông viết.