Hình chỉ mang tính minh họa |
UBND tỉnh Bình Thuận vừa cấp phép cho ông Trần Văn Tiệp được thăm dò tìm kiếm "kho báu" trên núi Tàu trong thời gian 270 ngày và không được gia hạn thêm.
"Ông Tiệp chỉ được thăm dò từ ngày 10.10 ttrong thời hạn 9 tháng và phải ký quỹ 500 triệu đồng", đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết. Theo đó, ông Trần Văn Tiệp, năm nay 96 tuổi, sẽ là người chủ trì xây dựng và thực hiện phương án thăm dò.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực thực hiện thăm dò nằm từ đỉnh trở về triền phía Đông núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, ở cao độ tuyệt đối từ 50 đến 110 m so với mực nước biển, trong phạm vi khoảng 2.400 m2.
Ông Tiệp phải ký hợp đồng với đơn vị có tư cách pháp nhân, đủ năng lực chuyên môn để triển khai phương án thăm dò. Việc thăm dò sẽ thực hiện bằng biện pháp khoan tại 5 vị trí, theo tọa độ đã được xác định, mỗi vị trí khoan sâu tối đa 35m.
Trong quá trình thực hiện khoan thăm dò, đơn vị thăm dò được sử dụng một số thiết bị, máy móc để hỗ trợ như xe ủi, xe xúc để bóc lớp đất mặt tại 5 vị trí để đặt máy khoan, cải tạo đường lên - xuống núi Tàu…
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đưa ra các yêu cầu về biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện thăm dò; trong đó số tiền ký quỹ 500 triệu đồng mà ông Tiệp đóng là để cam kết thực hiện việc hoàn thổ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu tại khu vực thực hiện thăm dò (nếu việc thăm dò không có kết quả).
Trong quá trình thực hiện thăm dò, ông Tiệp phải báo cáo và bàn giao toàn bộ kết quả cho UBND tỉnh Bình Thuận ngay sau khi kết thúc công tác thăm dò để xem xét, xử lý các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cũng đã thành lập Tổ giám sát thực hiện phương án thăm dò, do ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tổ trưởng; thành viên gồm đại diện của tỉnh: Bộ Chỉ huy Quân sự, Bảo tàng, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong.
Ông Trần Văn Tiệp là người tin tưởng có "kho báu" 4.000 tấn vàng ở núi Tàu, cùng các châu báu khác do Nhật chôn giấu. Từ 1993 đến nay, ông đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để truy tìm kho báu này nhưng không thành.
Tháng 9/2010, ông Tiệp thuê Công ty cổ phần Thiết bị địa vật lý chế tạo tại Hà Nội tiến hành đo địa vật lý tại núi Tàu bằng máy đo từ trường và máy đo điện đa cực. Kết quả đo độc lập của hai phương pháp này đều cho thấy có một dãy dị thường chạy dọc.