DN hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu còn sai sót
Theo báo cáo của KTNN, kết quả thực hiện tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 đến ngày 30.9, toàn ngành kiểm toán đã triển khai thực hiện 185 cuộc kiểm toán, đạt 73,4% kế hoạch kiểm toán.
Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của hơn 100 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng, thu về NSNN 11.017 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.783 tỷ đồng, riêng tăng thu về NSNN gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông vận tải, theo KTNN, qua kiểm toán 22 dự án, KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện có 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km.
Theo báo cáo của KTNN, toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm.
Về quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, qua kiểm toán tại một số địa phương, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.302 tỷ đồng và đã chỉ rõ một số tồn tại.
Trong công tác quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016, theo báo cáo, qua kiểm toán tại một số Bộ, ngành và địa phương, KTNN đã phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao 2.173 biên chế, trong đó số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao 3.045 viên chức; sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị vượt chỉ tiêu được giao 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó sử dụng 8.280 lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ.
Về việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, qua kiểm toán tại 4 doanh nghiệp KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm gần 500 tỷ đồng; xác định giá trị vốn nhà nước tăng hơn 6 nghìn tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng trên 7 nghìn tỷ đồng.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, theo báo cáo của KTNN, qua kiểm toán 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công.
Cụ thể như là khai thác tài nguyên, khoáng sản khi chưa được cấp giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc khai thác vượt công suất; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp; xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế TSCĐ, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; quản lý đất đai lỏng lẻo, thiếu hồ sơ pháp lý, bị lấn chiếm...
KTNN nhận định, phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót. Nhiều doanh nghiệp có bộ máy tổ chức cồng kềnh, năng suất lao động thấp.
Thực trạng tài chính bi đát của 3 ngân hàng được mua giá 0 đồng
Đáng chú ý, về kết quả tái cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua giá 0 đồng, qua kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Ocean Bank là 1 trong 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Thanh tra KTNN đã triển khai 9 Đoàn thanh tra tại 9 đơn vị. Nội dung thanh tra chủ yếu về trách nhiệm quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công tác PCTN, lãng phí của đơn vị và người đứng đầu đơn vị; việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực thuộc KTNN trong hoạt động kiểm toán.
Ngoài ra, KTNN đã triển khai 1 đoàn thanh tra đột xuất và 1 Tổ thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Tổng KTNN, qua kết quả thanh tra chưa phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng.