Dân Việt

Bí thư Hoàng Trung Hải: HN đang lên kịch bản đối phó với thảm hoạ

Ngọc Lương (ghi) 30/10/2017 14:45 GMT+7
Sáng 30.10, bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội - có chia sẻ với báo chí trước việc thành phố chuẩn bị phương án để đối phó với các rủi ro có thể trở thành thảm hoạ.

img

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. (Ảnh: Đàm Duy)

Thưa Bí thư, được biết, tuần trước ông có chủ trì một cuộc họp của Thành uỷ nghe các sở, ngành báo cáo về các rủi ro có thể trở thành thảm hoạ của thành phố, ông có thể cho biết vì sao lại chuẩn bị nội dung này?

- TP.Hà Nội là một đô thị lớn, đến năm 2030 dự kiến đạt tới 13 triệu dân. Một đô thị lớn như thế thì các rủi ro có thể rất lớn, lãnh đạo thành phố phải tính, chuẩn bị, thậm chí phổ biến cho người dân để trường hợp khi sự việc xảy ra không bị động. Hiện nay mới dự báo, tính trước, xây dựng các phương án đối phó. Mục tiêu của thành phố là để các cơ quan vào cuộc, nhận thức được, từ đó xây dựng các phương án, phổ biến cho người dân thậm chí phải diễn tập để ứng phó

 Vậy Hà Nội nhận diện các rủi ro có thể thành thảm hoạ đó là gì, thưa ông?

- Các sở, ban ngành của thành phố cũng nhận diện nhiều rủi ro có thể trở thành thảm họa. Trước chúng tôi có họp, thống nhất lại giao cho các cơ quan chuẩn bị lại vì các nhận thức rất khác nhau. Trên cơ sở tập thể phân tích, xem cái gì được gọi là thảm hoạ. Bởi vì đây là lần đầu tiên “đầu bài” đưa ra nên còn nhiều cách hiểu khác nhau. Trước hết, cần phải hiểu như thế nào là thảm hoạ. Kết quả cuộc họp tuần trước là để các cơ quan, đơn vị chuẩn bị lại, viết lại, rồi tới đây sẽ nghe lại…

 Tình trạng ngập lụt, ùn tắc giao thông, hoả hoạn, vệ sinh môi trường xảy ra trong thời gian qua có được coi là nguy cơ dẫn đến thảm hoạ không, thưa ông?

- TP.Hà Nội cũng đề xuất những vấn đề đó, nhưng thực tế thấy chưa cần thiết. Ví dụ như đê điều bao giờ cũng có rủi ro, nhưng đối với Hà Nội lại là những vấn đề khác. Cụ thể là toàn bộ hệ thống đê điều Hà Nội cũng thiết kế để bảo vệ cho Hà Nội với tần suất 500 năm. Nếu nó vượt tần suất đấy thì lúc đó mới là thảm hoạ. Chứ vỡ đê Bùi 2 (Chương Mỹ), hay vỡ chỗ nọ, chỗ kia thì không được coi là thảm hoạ… Lúc đó mình định nghĩa là thảm hoạ thì lại là nâng vấn đề lên một cách không cần thiết.

Hà Nội đang thiết kế chống ngập cho cơn mưa cường độ 310mm trong hai ngày. Giờ vượt số đấy thì có được coi là thảm hoạ không? Hay là phải đặt vấn đề khác đi là nếu tình hình mưa cao hơn trận mưa của năm 2008 thì có được gọi là thảm hoạ không? Năm 2008 là ngập toàn bộ Hà Nội, cả nội thành lẫn ngoại thành, suýt nữa thì ngập cả trạm bơm Yên Sở nữa. Nếu chúng ta dự báo, nó vượt mức đó coi là thảm hoạ thì phải có giải pháp, để đầu tư tiếp một hệ thống thoát nước mà nó đáp ứng được  trên 400mm, chứ không phải 310mm nữa...

Hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu, cho nên xác định cái gì là thảm hoạ phải chính xác.