Năm 2007, vợ chồng chị Y Ngá và anh A Ngãi ở thôn Lanh Tôn (xã Đăk Môn) được Quỹ tiếp sức vì người nghèo hỗ trợ 1 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Sau thời gian chăm sóc, vợ chồng Y Ngá - A Ngãi phát triển được đàn bò 3 con và thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Tranh thủ dắt đàn bò ra rẫy ở gần nhà cột để còn đi đổi công cho bà con trong làng, chị Y Ngá phấn khởi cho biết: Khi được “tiếp sức” về nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức làm ăn, hai vợ chồng mình xác định được hướng đi và mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Bên cạnh việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, trong trời gian nông nhàn vợ chồng tranh thủ đi làm thuê, tích góp cũng đã xây dựng được căn nhà mới để ở, chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Nhờ được hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình chị Y Ngá đã vươn lên thoát nghèoTheo thống kê của xã Đăk Môn, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ tiếp sức vì người nghèo đã có 20 hộ gia đình ở thôn Lanh Tôn (thôn đặc biệt khó khăn) thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ bò sinh sản đến nay đã phát triển đàn bò từ 2-3 con.
Chị Y Quyên - cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã Đăk Môn cho biết, trong thời gian tới, 30 hộ nghèo còn lại của thôn Lanh Tôn sẽ tiếp tục được luân chuyển hỗ trợ bò sinh sản từ nguồn Quỹ tiếp sức vì người nghèo giai đoạn 3 để sớm thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Tập trung cho công tác giảm nghèo, đặc biệt đối với 5 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn gồm: Ri Nầm, Broong Mẹt, Lanh Tôn, Đăk Giấc, Đăk Nai đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của xã Đăk Môn hiện nay.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đăk Môn - ông Lữ Thanh Hùng, mặc dù hiện nay, số hộ nghèo xã Đăk Môn đã giảm mạnh so với trước đây (tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,23%) nhưng so quy định của xã nông thôn mới thì vẫn còn ở mức khá cao (theo quy định phải đạt dưới 7%). Giải quyết vấn đề này, Đăk Môn đang tập trung nguồn vốn để triển khai nhân rộng các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi, trồng trọt từ các chương trình, dự án.
Cũng theo Bí thư Lữ Thanh Hùng, so với các xã khác trên địa bàn huyện Đăk Glei, Đăk Môn có nhiều thuận lợi hơn để “về đích” nông thôn mới; nhất là thời gian qua, địa phương đã phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp, nhất là cây cao su. Tuy nhiên, cùng với việc sụt giảm giá nông sản nói chung, cây cao su nói riêng, khiến mức thu nhập của người dân cũng giảm theo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 17 triệu đồng/năm; trong khi đó, theo quy định tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới đối với địa bàn phải đạt ở mức 31 triệu đồng/người/năm.
Tháo "nút thắt" cho tiêu chí này, Đăk Môn cũng đang triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án; đặc biệt, từ 2 nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 30a và chương trình 135.
Lãnh đạo xã Đăk Môn xác định tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân; tập trung hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ phù hợp điều kiện cụ thể của địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; cung cấp tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất (Qua rà soát, dự kiến nhu cầu về vốn để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Đăk Môn lên đến 23,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội).
Bên cạnh đó, xã Đăk Môn cũng đang tập trung giải quyết tình trạng nhà ở còn tạm bợ, dột nát trong dân (trên địa bàn xã vẫn còn 182 căn nhà chưa đủ 3 cứng và nhà tạm, dột nát); bê tông hóa các tuyến nông thôn (hiện cả xã mới chỉ bê tông được 27% đường trục thôn, liên thôn và 20% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm); phấn đấu đưa Trường Mầm non xã đạt chuẩn quốc gia để đạt tiêu chí về giáo dục… để Đăk Môn đủ điều kiện “về đích” nông thôn mới đúng lộ trình - Bí thư Đảng ủy Lữ Thanh Hùng cho biết.