Dân Việt

Bộ GTVT gửi văn bản hỏa tốc về kiến nghị liên quan đến Uber, Grab

Hoàng Thành 31/10/2017 10:17 GMT+7
Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc gửi Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Taxi TP.HCM… về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM đề cập một số vấn đề liên quan đến hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử.

Mới đây, tại công văn số 19/HHTX-2017, Hiệp hội taxi TP.HCM đồng tình với các nội dung kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội đối với Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc thí điểm hợp đồng điện tử cho xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo đó, dựa vào báo cáo và kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi TP.HCM đồng ý kiến nghị với 3 vấn đề chính.

Liên quan sự việc này, Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc gửi Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Taxi TP.HCM… về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM đề cập một số vấn đề liên quan đến hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử.

img

Hiệp hội taxi kiến nghị dừng ngay kế hoạch thí điểm với xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống.

Cụ thể, về kiến nghị "Dừng ngay kế hoạch thí điểm với xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống theo Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT nhằm tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm ngay và không cần chờ đến ngày 7.1.2018 (hết thời hạn thí điểm)", Bộ GTVT cho rằng, việc xây dựng, ban hành và triển khai Quyết định số 24 kèm theo kế hoạch thí điểm là hoàn toàn phù hợp quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ GTVT đã có rất nhiều văn bản chỉ rõ đây là loại hình vận tải khách theo hợp đồng.

Bản chất của việc thí điểm này là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ. Đây không phải là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi.

Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai rất nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng. Việc quản lý xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố. Sở GTVT cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh.

Phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua các điều kiện áp dụng đối với xe hợp đồng. Chế tài xử phạt theo Nghị định 46/2016 qua đó đảm bảo được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.

Hơn nữa, việc các địa phương quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông đã được quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Về kiến nghị "Dừng ngay việc gia tăng phương tiện tham gia thí điểm đối với các đơn vị, địa phương hiện tại và không mở rộng thí điểm ra các tỉnh, thành phố khác", Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã kiến nghị Thủ tướng.

“Trên cơ sở kiến nghị của các Sở GTVT, kính đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép các địa phương đã thí điểm, khi tổng số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Việc này tiếp diễn cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn theo quy định tại Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tránh cung vượt cầu”, Bộ GTVT nêu rõ.

Liên quan đến kiến nghị "Nếu Grab, Uber vẫn tiếp tục có thái độ coi thường pháp luật và nhà nước Việt Nam - vẫn triển khai trái phép kiểu hoạt động lách luật, cạnh tranh không lành mạnh thì đề nghị Nhà nước thu hồi giấy phép kinh doanh", Bộ GTVT cho rằng, đây là vấn đề mới phát sinh, liên quan đến chuyên ngành quản lý của nhiều lĩnh vực. Do vậy, Bộ GTVT ghi nhận nội dung đề xuất và sẽ phối hợp với các bộ khác để nghiên cứu, xem xét đưa vào nội dung quy định quản lý tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Hiệp hội taxi TP.HCM, trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý được hết toàn bộ số xe tham gia thí điểm hợp đồng điện tử (như Uber, Grab…). Việc kiểm tra các xe này rất khó khăn, hầu hết các xe này không dán logo, phù hiệu hợp đồng…

Hiệp hội taxi TP.HCM cũng cho rằng Grab và Uber đang triển khai các chương trình khuyến mãi, chính sách cước thấp… nhằm cạnh tranh và triệt tiêu các hãng taxi truyền thống. Liệu Uber và Grab có cam kết giữ giá cước thấp như hiện nay trong vòng 5-10 năm, hay chỉ nhằm loại bỏ taxi truyền thống, độc chiếm thị trường.

Gần đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị gửi Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, liên quan đến một văn bản đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và đề xuất biện pháp quản lý, mà Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng.

Trong văn bản này, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, báo cáo của Bộ GTVTi là không đầy đủ, không phản ánh đúng thực trạng của công tác thí điểm.

Trước đó, Hiệp hội taxi Hà Nội đã gửi kiến nghị cho Bộ GTVT về việc phải dừng khẩn cấp hoạt động Uber, Grab trước thời điểm kết thúc Đề án thí điểm là 31.12.2017 (kiến nghị gửi ngày 26.9.2017). Đồng thời, phải quy định quản lý Uber, Grab giống như taxi truyền thống về số lượng xe, chất lượng dịch vụ, phạm vi hoạt động…

Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, do cơ quan quản lý Nhà nước có sự buông lỏng về quản lý nên số lượng xe hợp đồng điện tử thời gian qua đã tăng vọt lên tới con số 50.000 xe (theo tính toán của hiệp hội này). Do đó, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải cấp hạn ngạch cho Uber, Grab cùng với các hãng taxi, dán logo biểu trưng cho xe hợp đồng điện tử, xe phải có phù hiệu riêng… để dễ dàng nhận biết.