Dân Việt

Mỹ bí mật dựng Nhà Trắng khác trên biển tránh chiến tranh hạt nhân

Bảo Ngọc 31/10/2017 13:05 GMT+7
Theo Kế hoạch Khắc phục hậu trường khẩn cấp Quốc gia (NECPA), một trong hai Nhà Trắng nổi luôn có mặt tại biển Đại Tây Dương, Vịnh Chesapeake.

img

Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng hiện tại.

Nước Mỹ từng làm mọi cách để tránh chiến tranh hạt nhân với Liên xô, trong đó có việc xây dựng một Nhà Trắng nổi trên biển Đại Tây Dương. 

Bắt đầu từ năm 1962, hai tàu chiến đặc biệt của Hải quân - tàu tuần dương hạng nhẹ USS Northampton và tàu sân bay hạng nhẹ USS Wright- được coi là lựa chọn tốt nhất để di tản tổng thống từ Nhà Trắng ở Washington, D.C., trong trường hợp xảy ra vụ tấn công hạt nhân. Theo Kế hoạch Khắc phục hậu trường khẩn cấp Quốc gia (NECPA), một trong hai "Nhà Trắng nổi" luôn có mặt tại biển Đại Tây Dương, Vịnh Chesapeake.

Nhà Trắng nổi dùng để vận chuyển các nhân viên đặc biệt của Tổng tham mưu liên quân và thậm chí bên trong có những căn phòng  cao cấp có đầy đủ các thiết bị liên lạc bí mật. Ở thời điểm đó, hải quân Liên Xô được cho là chưa đủ năng lực để tìm thấy các con tàu bí mật này trong vùng Đại Tây Dương.

img

Tàu tuần dương hạng nhẹ USS Northampton.

Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 40 năm đã diễn ra nhiều cuộc chạy đua vũ trang lớn, đặc biệt là vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962 là thời điểm gần sát nhất với chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ. Hành động triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung R-12 và tên lửa đạn đạo tầm trung R-14 Chusovaya của Liên Xô tại Cuba là nhằm đáp trả việc Mỹ đặt các tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4.1962.

Trong kế hoạch đối phó với hoạt động triển khai tên lửa của Liên Xô tại Cuba, phía Mỹ từng dự định thực hiện một cuộc tấn công toàn diện nhắm vào Cuba hoặc ít nhất là ném bom các vị trí triển khai tên lửa tại Cuba. Nếu kế hoạch này được thực hiện chắc chắn cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ sẽ nổ ra.

Cuối cùng, sau nhiều vòng đàm phán, hai nhà lãnh đạo của Liên Xô và Mỹ đi đến thỏa thuận: Phía Liên Xô ngừng triển khai và rút tên lửa khỏi Cuba và phía Mỹ rút tên lửa triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italia. Tuy nhiên, phía Mỹ thực hiện rút tên lửa một cách bí mật và tại thời điểm đó và dư luận lại cho rằng Liên Xô hoàn toàn có lỗi khi gây ra cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, không lâu sau, công nghệ vệ tinh xuất hiện đã làm cho việc theo dõi tàu và nhận được những quan sát từ trên không dễ dàng hơn. Rõ ràng là không còn khả thi để che giấu tổng thống ở Đại Tây Dương nữa.

Kế hoạch của NECPA đã bị loại bỏ vào đầu những năm 1970, và cả hai “Nhà Trắng nổi” cuối cùng đã được bán phế liệu.