Dân Việt

Phải tổ chức lại chuỗi chăn nuôi

17/10/2011 18:11 GMT+7
(Dân Việt) - Suốt trong thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi nước ta luôn loay hoay với nỗi lo tăng- giảm giá trái ngược nhau, mà chưa tìm ra được một chiến lược phát triển ngành hợp lý.
img
Ông Nguyễn Thanh Sơn

Về vấn đề này, phóng viên NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Ông Sơn cho biết: Trong 9 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi nước ta gặp khó khăn lớn, đó là: Ảnh hưởng của đợt rét, dịch bệnh (tai xanh) cuối năm 2010 đã làm giảm đàn gia súc, gia cầm gây thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, là sự cạnh tranh các sản phẩm thịt nhập khẩu giá rẻ. Mặc dù, từ tháng 7, 8 giá sản phẩm chăn nuôi cao, nhưng người dân rất khó vay được vốn để tăng đàn do thủ tục ngân hàng và lãi suất quá cao.

Hiện giá thực phẩm trong nước đang giảm rất mạnh, có nhiều ý kiến phê phán các bộ quản lý của chúng ta đã cho nhập khẩu quá nhiều thực phẩm nên mới dẫn đến thực trạng này. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên?

- Theo dự báo của chúng tôi, từ nay đến cuối năm mỗi tháng chúng ta sản xuất được 242.000 tấn thịt xẻ các loại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, sẽ có một lượng thịt nhập khẩu nhất định, nhất là thịt gà sẽ tràn vào nước ta với số lượng khoảng 30.000-35.000 tấn. Còn tính cả năm nay, ước số lượng nhập khẩu thực phẩm về sẽ vào khoảng 110.000-115.000 tấn (tương đương năm 2008).

Nếu chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh, thì sẽ cơ bản đảm bảo được nguồn cung từ trong nước. Nhưng chúng ta cũng không thể cấm được sản phẩm nhập khẩu, mà sẽ phải thắt chặt việc kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể không tránh được chuyện các doanh nghiệp tranh thủ và lợi dụng các sản phẩm sắp hết hạn với giá rẻ để nhập khẩu về nước ta. Bộ NNPTNT đã có thông tư kiểm soát vấn đề này và chắc chắn công tác kiểm tra sẽ được tăng cường hơn nữa.

Có một thực tế hiện nay là số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ ngày càng giảm, trong khi chúng ta vẫn chưa thúc đẩy được chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn rất đáng quan tâm?

-Theo khảo sát của chúng tôi thì đúng là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trong thời gian vừa qua có giảm 20%, nhưng thực tế là vẫn có tới 80% sản phẩm thịt hiện nay được cung cấp từ những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, trong khi các trang trại chăn nuôi tập trung mới cung cấp được 20% sản phẩm cho thị trường.

Chúng tôi cũng đã xác định, chăn nuôi ở các hộ nhỏ, lẻ sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài. Bởi hai lý do, đó là: Chăn nuôi nông hộ giải quyết được sinh kế cho nông hộ, công ăn việc làm và là nghề truyền thống. Tuy nhiên, nếu cứ để chăn nuôi nông hộ, thì dịch bệnh sẽ còn xảy ra và người chịu thiệt chính là các hộ nông dân.

Bên cạnh các chính sách về chăn nuôi, thú y, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi nông hộ - đối tượng yếu thế nhất trong chuỗi thị trường, trong đó họ phải được cung cấp thông tin minh bạch về thị trường, hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã hoặc tổ, nhóm để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đặc biệt là bán sản phẩm.

img
Chăn nuôi lợn ở một hộ gia đình tại tỉnh Bắc Giang.

Đầu tư vào chăn nuôi vốn đã rất rủi ro, nhưng lãi suất ngân hàng lại cao. Thế nên, có người đã nói thẳng, vay vốn với lãi suất 20-22% để nuôi lợn thì chỉ có lỗ. Đối với vấn đề vốn, Bộ NNPTNT kiến nghị gì với Chính phủ để hỗ trợ ngành chăn nuôi?

- Để giải quyết các khó khăn cho ngành chăn nuôi phát triển, chúng tôi xác định đó chính là vốn. Về vấn đề này, Bộ NNPTNT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị có một cơ chế tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Chúng tôi hy vọng các bộ, ngành cũng sẽ đồng tình với chính sách tín dụng cho ngành chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay giá thịt gia súc, gia cầm giảm nhiều là do 2 nguyên nhân: Trong tháng 7, do giá thịt trong nước cao và người chăn nuôi có lợi nhuận nhiều, nên các tổ chức, cá nhân đã chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm đã tạo ra nhiều nguồn cung. Mặt khác, do các tỉnh miền Nam, miền Trung bị lũ lụt nhiều, các chủ chăn nuôi bán chạy nhiều gia súc, gia cầm.

Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, với số lượng trên cùng với các diễn biến trên thị trường, liệu từ nay đến Tết Nguyên đán có xảy ra sốt giá thực phẩm một lần nữa? Và tại thời điểm này khi mà giá đang giảm, người nông dân có nên tái đàn không, thưa ông?

- Chúng tôi tính toán, có nhiều khả năng giá sẽ nhích lên vào những tháng cuối năm, nhưng sẽ không gây ra một sự đột biến như hồi tháng 7 và 8 vừa rồi. Tôi cho rằng, giá cũng chỉ tạm thời xuống thôi, vì thường nhu cầu trong những tháng cuối năm tăng 15-20%, đây cũng là thời điểm bắt đầu một lứa chăn nuôi mới, nên giá sẽ lên.

Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vẫn còn lớn, trong khi số lượng tái đàn trong thời gian qua chưa phải lớn nên cơ hội chăn nuôi để bán sản phẩm trong thời gian tới vẫn rất lớn, nhưng vẫn phải hết sức chú ý đến công tác phòng chống dịch và các yêu cầu khác về chăn nuôi.

Một nghịch lý hiện nay vừa được chính Cục Chăn nuôi chỉ ra là, trong khi giá thịt bán ra tại các chợ chỉ giảm có 10-12%, sản phẩm do người dân bán ra tại chuồng lại giảm tới 20-25%. Ông giải thích nghịch lý này như thế nào?

Sẽ ra điều kiện đối với người chăn nuôi

Cục Chăn nuôi sẽ đưa ra những điều kiện cần và đủ cho người chăn nuôi để từng bước đưa ngành này vào danh mục những ngành có tiêu chí phát triển bền vững. Thông tin được Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết tại buổi Hội nghị “Đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2011 và giải pháp thúc đẩy chăn nuôi trong thời gian tới” tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM.

Theo đó, người dân muốn chăn nuôi với số lượng lớn phải có hệ thống hầm biogas xử lý chất thải. Người chăn nuôi quy mô nhỏ phải liên kết với các nông hộ khác để hình thành các chuỗi giá trị hoặc tham gia gia công cho các công ty để được hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

- Sự chênh lệch giá giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng chứng tỏ sự bất cập trong các sản phẩm nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng.

Bất cập ở đây biểu hiện ở chỗ chúng ta chưa tổ chức được hệ thống tiêu thụ sản phẩm và minh bạch được giá cả đầu ra, mà thương lái (người trung gian) chiếm phần nhiều, cho nên người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ giá cả xuống và ngược lại người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi khi giá lên.

Như vậy, chứng tỏ giá thực phẩm hiện nay đang bị làm giá trong sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Cục Chăn nuôi?

- Cũng không hoàn toàn như vậy. Tôi đơn cử như giá thực phẩm tháng 7, 8 tăng cao có các nguyên nhân là bà con đã xuất chuồng đàn gà vào tháng 7, 8 còn đàn lợn vào tháng 6, khiến nguồn cung thịt thiếu hụt.

Nhưng thời gian gần đây giá giảm là do các tỉnh miền Nam, miền Trung bị lũ lụt nhiều (đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL chăn nuôi nhiều lợn, gia cầm), các chủ chăn nuôi bán chạy nhiều gia súc, gia cầm cho các cơ sở giết mổ để phòng tránh lũ lụt và e ngại giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng cao do đồng ruộng ngập lụt nhiều...

Một nguyên nhân nữa là mặc dù giá mua ở chuồng hạ, chỉ còn 51.000-53.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn xuống chậm, phần lớn vẫn đứng ở mức 110.000-130.000 đồng/kg, điều này chứng tỏ có sự đầu cơ ở khâu trung gian. Đây là vấn đề mà chúng tôi đang theo dõi, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân.