Dân Việt

CSGT mặc thường phục làm nhiệm vụ có quyền hạn gì?

Minh Phong 01/11/2017 06:52 GMT+7
Theo luật sư, CSGT mặc thường phục không có thẩm quyền dừng xe của người tham gia giao thông khi phát hiện dấu hiệu vi phạm mà phải báo cho bộ phận kiểm soát công khai để kiểm tra, xử lý.

Nỗi lo lạm quyền

Câu chuyện CSGT TP Vinh (tỉnh Nghệ An) tổ chức bộ phận CSGT mặc thường phục phối hợp với bộ phận công khai tuần tra, xử lý đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Gửi ý kiến đến Dân Việt, bạn đọc Đỗ Văn Nhân (đường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho rằng CSGT mặc thường phục với mục đích là ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định hiện hành, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng nếu tham gia xử lý vi phạm giao thông là không phù hợp.

img

CSGT mặc thường phục xuất trình thẻ ngành với một người có dấu hiệu vi phạm luật giao thông. Ảnh Dân Trí. 

“Nếu CSGT mặc thường phục tuần tra, kiểm soát giao thông được các địa phương áp dụng rộng rãi rất dễ xảy ra tình trạng các đối tượng xấu giả mạo CSGT mặc thường phục, thậm chí giả mạo Thẻ Công an nhân dân để lừa đảo, trấn lột hoặc cưỡng đoạt tài sản… của người tham gia giao thông” – bạn đọc Nhân bày tỏ lo lắng.

Bên cạnh đó, CSGT mặc thường phục xử lý vi phạm giao thông cũng rất dễ xảy ra tình trạng người vi phạm chống đối, không chấp hành bởi họ nghi ngờ lực lượng này có thừa hành công vụ hay không? Liệu có xảy ra tình trạng lạm quyền trong quá trình thực thi công vụ?

Theo ông Đỗ Văn Nhân, việc xử lý hành vi vi phạm giao thông phải được thực hiện theo quy trình đã được Bộ Công an hướng dẫn. Do đó, khi xử lý vi phạm giao thông thì người vi phạm mới không chống đối, chấp hành nghiêm túc.

Ông Đỗ Văn Nhân cho rằng: “Quy định CSGT mặc thường phục xử lý vi phạm giao thông là không cần thiết, không nhận được sự đồng thuận, gây nhiều hoài nghi cho người vi phạm pháp luật giao thông. Việc CSGT mặc thường phục xử lý vi phạm rất dễ xảy ra tình trạng lạm quyền, có thể bị kẻ xấu lợi dụng có hành vi phi pháp để trục lợi”.

Không được chặn xe

Nêu quan điểm về việc lực lượng CSGT mặc thường phục phối hợp phát hiện xử lý vi phạm trên đường, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng các lực lượng thực thi công vụ có thể sử dụng mọi biện pháp để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Lực lượng cảnh sát có thể hóa trang khi làm nhiệm vụ, nhưng với lực lượng hoạt động công khai như CSGT phải đảm bảo theo quy định có biển hiệu, sắc phục. Tất nhiên, trong câu chuyện thi hành công vụ cần đảm bảo bí mật thì không cần phải mặc sắc phục.

“Người dân vi phạm bình thường thì lực lượng cảnh sát hoá trang phải thông báo cho lực lượng cảnh sát tuần tra công khai xử lý, chứ lực lượng hoá trang không được xử lý.

Cảnh sát hoá trang chỉ hỗ trợ, chứ không thể mặc thường phục mà ra đường chặn xe bất cứ chỗ nào được. Bởi như thế là phản cảm, người dân làm sao biết anh mặc thường phục là ai” – Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Điều này cũng đã được Bộ Công an quy định. Cụ thể như Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, việc cảnh sát được hóa trang khi xử phạt là nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc này cũng nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm và là một giải pháp khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

“CSGT có thể mặc thường phục để phát hiện vi phạm, có thể ngồi trong lùm cây hay trong xe ô tô để bắn tốc độ. Nhưng lực lượng chặn bắt phải mặc sắc phục, để tránh tình trạng lạm quyền hay một số đối tượng đóng giả có hành vi xấu” – luật sư Tuấn Anh nói.

Đối với trường hợp CSGT mặc thường phục nhưng có xuất trình thẻ ngành để người dân được biết, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng người dân không có chức năng kiểm tra người mặc thường phục giơ thẻ. Ở đây, lực lượng chức năng phải chứng minh mình là người đang thực thi nhiệm vụ, ngoài việc xuất trình thẻ còn có cả công vụ.  

Phải có kế hoạch tuần tra

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết nếu CSGT mặc thường phục có hành vi chặn xe người vi phạm giao thông là hoạt động sai thẩm quyền. Bởi chỉ có lực lượng cảnh sát tuần tra, kiểm soát công khai mới được dừng xe của người vi phạm và xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.

img

CSGT mặc thường phục không được phép dừng xe người có dấu hiệu vi phạm giao thông mà phải phối hợp với lực lượng công khai mặc sắc phục để xử lý. Ảnh TP.

Theo luật sư Tú, không phải trường hợp nào lực lượng CSGT cũng được phép hóa trang. Việc cảnh sát giao thông được mặc thường phục chỉ được thực hiện trong một số trường hợp trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an từ cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai.

Theo quy định của Bộ Công an, phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Đồng thời, nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.