Thôn An Khuông là một trong 6 thôn bị thiếu nước nghiêm trọng nhất của xã Tam Xuân II. Thôn có trên 200 hộ dân, đã 5 năm nay, bà con ở đây phải lấy từ nước giếng đầu làng và dùng nước ruộng, nước mương để sinh hoạt.
Mặc dù đã 83 tuổi nhưng hàng ngày ông Bùi Tưng (thôn An Khuông, xã Tam Xuân II) phải chèo ghe đi qua bên kia sông mua nước sạch về dùng. |
Nước sạch quý như vàng
Anh Bùi Công Đức - một người dân ở đây cho biết: "Mấy ngày gần đây nhờ có mưa nên có tí nước sạch mà nấu cơm, chứ còn giặt đồ và các sinh hoạt khác vẫn phải dùng nước mương. Riêng mùa nắng thì đến nước mương cũng không có mà dùng. Phải sang bên kia sông (thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) mua mới có".
Thùng nước mà anh Đức vừa gánh về phủ một lớp vàng khè của phèn. Một tuần, anh phải 2- 3 lần đi gánh nước như vậy. "Đã mấy năm nay nước sạch không về tới thôn, hệ thống ống nước bị đào lên, nằm lăn lóc bên vệ đường" - anh Đức ngao ngán.
Quay ra bến đò An Khuông, chúng tôi gặp ông Bùi Tưng (83 tuổi) đang đi mua nước. Ông kể: "Nước sạch ở đây quý lắm, không có để rửa đâu, chỉ để uống thôi. Dân ở đây chia nước thành 3 loại, loại mua về để uống; nước ruộng và giếng đầu làng khi lọc lại dùng nấu ăn; còn tắm thì có nước sông”.
Ngay tại giếng nước đầu làng, chúng tôi thấy nhiều xe bò đang chờ lấy nước. Nước giếng múc lên có màu vàng khè của phèn, bà con mang về lọc thủ công bằng than, cát để nấu ăn. "Mạch nước ngầm của thôn bị nhiễm mặn nên phải chịu vậy chứ biết làm sao"- ông Tưng cho biết.
Chờ đến bao giờ?
Ông Nguyễn Đăng Hưởng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân II cho biết: "Không riêng gì thôn An Khuông mà các thôn Bà Bầu, An Đông, Tân Thuận, Vĩnh An, Thạch Kiều, cũng chịu chung cảnh thiếu nước. Trên 1.000 hộ dân trong xã đều thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Hiện tại địa phương có 3 bể nước tự chảy, mỗi bể có thể tích từ 35- 50m3 nước, do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ, nhưng chỉ có công trình tại thôn Vĩnh An là còn hoạt động cầm chừng nhưng nguồn nước cũng không đảm bảo. Còn 2 bể kia, một bể đã ngưng hoạt động, một bể ngay sau lưng UBND xã, được đầu tư cả tỷ đồng và được thi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn còn dở dang và không biết bao giờ mới hoàn thành".
Địa phương đã nhiều lần gởi đơn kêu cứu và đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho Trung tâm NS&VSMTNT Quảng Nam đầu tư hệ thống nước sạch có kinh phí 7 tỷ đồng tại xã Tam Xuân II, với hình thức Nhà nước chịu 60%, người dân chịu 40%. Tuy nhiên hệ thống này đến nay vẫn chưa được triển khai vì ách tắc nhiều phía.
Lào Cai: Bỏ hoang công trình nước sạch
Bản Sen và Na Nối (xã Bản Sen) là 2 thôn được hưởng lợi từ các công trình nước sinh hoạt do Nhà nước đầu tư ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Nhưng sự mong mỏi được sử dụng nước sạch của người dân 2 thôn này đã lại trở thành nỗi thất vọng, khi công trình tốn hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng đã không có giọt nước nào.
Theo nhiều người dân ở đây, đường dẫn nước từ nguồn quá xa, trong khi đường ống lại quá bé, không đủ cung cấp nước cho các bể. Còn nguyên nhân sâu xa hơn nữa là nhiều đoạn ống bị hư hỏng, bị vỡ không được sửa chữa, nước không đến được các bể, nên chúng bị bỏ hoang như hiện nay.
A Min
Trương Hồng