Ông bà cố gắng trồng một số rau, trái trên những miếng đất gọi là “đầu thừa đuôi thẹo” người ta bỏ hoang. Rau trái cũng giúp ông bà đắp đổi được một vài bữa cùng với mấy con cá, con tép lặn hụp bắt dưới sông, trên đồng… Khó khăn là vậy nhưng ông bà vẫn cố gắng vượt qua, nuôi năm anh em ba, mà ba là người con thứ hai.
Sáu tuổi, ba được đi học dù trường ở khá xa, phải lội bộ mấy giang đồng. Được cái lúc bấy giờ học trò không phải đóng tiền trường, cha mẹ chỉ lo phần tập vở. Ba cố gắng học, cuối năm được lãnh thưởng.
Củ co trong ký ức tuổi thơ tôi. Ảnh: T.L
Sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, kỷ niệm ba nhớ nhất là đi móc củ co. Củ co là loại cây hoang mọc trong đồng nước. Ông bà nội thường dẫn ba đi móc cùng. Củ co có lá và cọng như bông súng nhưng nhỏ hơn nên không thể nào lẫn lộn bông súng và củ co. Móc củ co là công việc rất cực khổ vì nó nằm sâu trong lòng đất. Phải cố gắng bấm mạnh tay vào sâu bộ rễ nó mà giựt mạnh lên mới có được những chùm củ lớn bằng ngón chân cái người lớn. Móc càng nhiều, mấy đầu ngón tay càng ê ẩm đến độ thúi hoặc sứt móng. Thật là khổ ải. Nhưng không khổ ải thì không có cái để ăn mà sống!
Để móc được nhiều củ co, ông bà nội và ba phải tốn rất nhiều công sức. Củ co được rửa thật sạch thường được nấu chín. Khi củ co chín, đổ ra rổ, để hơi nguội, lột bỏ vỏ, ăn có vị bùi và dẻo như khoai môn. Thường thì mọi người ăn độn với cơm. Tuy nhiên, để “thay đổi khẩu vị”, bà nội thỉnh thoảng nấu cháo củ co, đem lại cho cả nhà những bữa ăn nhiều kỷ niệm. Bây giờ hình như chẳng mấy ai biết củ co là gì.