Dân Việt

Bóng hồng Việt làm sứ giả hòa bình

Gia Tưởng 02/11/2017 06:12 GMT+7
Sau một thời giàn dài chuẩn bị, vượt qua những bài huấn luyện khắc nghiệt của một sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, lần đầu tiên Việt Nam có một nữ sĩ quan được cử đi làm nhiệm vụ cao cả này. Đó là thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga - Trợ lý tham mưu kế hoạch thuộc trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Nghiệp chọn người

Sinh ra trong một gia đình truyền thống quân ngũ, từ năm 2004, chị Hằng Nga chính thức nhập ngũ trải qua quá trình rèn luyện phấn đấu trong quân đội. Tới năm 2012, chị Nga đã được chuyển ngạch sĩ quan. Chị Nga chia sẻ, trước đây chị chưa từng tham gia công tác đối ngoại quốc phòng. Tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam, công việc chủ yếu của chị liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, với nhiệm vụ được giao là phụ trách website và mạng LAN của trung tâm. Quá trình công tác, chỉ huy đơn vị nhận thấy ở Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại nên đã tạo điều kiện để chị tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ và chuyên môn GGHB.

img

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định cho thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga tại Bộ Quốc phòng.  Ảnh: G.T

"Tình hình địa bàn tại phái bộ Nam Sudan hiện nay tuy còn nhiều phức tạp, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Liên Hợp Quốc và nước chủ nhà, an ninh cơ bản ổn định. Thiếu tá Hằng Nga làm việc tại Sở chỉ huy Phái bộ, được bảo vệ và đảm bảo an ninh tuyệt đối an toàn”. 

 Đại tá Hoàng Kim Phụng

Với khả năng học hỏi, nắm bắt nhanh cùng sự nỗ lực bền bỉ được rèn luyện bởi bản lĩnh người lính ngoại giao, trong vòng một năm, Hằng Nga đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có của một “sứ giả mũ nồi xanh made in Việt Nam” theo những quy chuẩn mà Liên Hợp Quốc đã đặt ra.

Quyết tâm vượt thử thách

Với nhiệm kỳ một năm thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là trực điện thoại, tiếp nhận thông tin, yêu cầu khẩn cấp, viết báo cáo chính xác trong thời gian nhanh nhất để gửi về Sở chỉ huy phái bộ. Bên cạnh đó, chị đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, không kể thời gian ngày hay đêm. Tính ra, Hằng Nga sẽ phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại phái bộ Nam Sudan. Theo chị, đây là vinh dự rất lớn, cũng là nhiệm vụ nặng nề kể cả với những quân nhân là nam giới.

“Trước khi nhận nhiệm vụ, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã truyền đạt cho tôi nhiều kiến thức để có thể hòa nhập với môi trường đa quốc gia tại phái bộ. Mặc dù đây là vị trí hoàn toàn mới dành cho Việt Nam và cũng là lần đầu tiên có nữ quân nhân tham gia làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, nhưng may mắn là đợt này còn có hai nữ quân nhân người Pakistan cùng tham gia với tôi. Tuy sẽ có những khác biệt về văn hóa, phong tục, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ” - chị Hằng Nga nói.

Trong vài trò sứ giả hòa bình của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc, thiếu tá Hằng Nga sẽ giới thiệu với bạn bè các nước và người dân Nam Sudan những biểu tượng đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt và nhiều nơi trên thế giới như hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tà áo dài Việt Nam, cùng những món quà đặc trưng như ô mai, những chiếc áo in cờ Tổ quốc, những con chuồn chuồn tre…

Sáng 30.10, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc.

Phát biểu giao nhiệm vụ cho thiếu tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu: Cần chủ động, nỗ lực cao nhất, phối hợp tốt với các đồng nghiệp để nhanh chóng bắt nhịp với công việc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Liên Hợp Quốc và phái bộ để đảm bảo an toàn và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, nắm chắc địa bàn, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn để đề xuất kiến nghị về nước đối với việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam cũng như các vị trí cá nhân khác và đại đội công binh trong tương lai…

Theo đại tá Hoàng Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm GGHB Việt Nam, lãnh đạo Liên Hợp Quốc mong muốn đến năm 2020 tăng tỷ lệ nữ tham gia lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc lên 15%. Trung tâm đã có lớp bồi dưỡng kiến thức cho các nữ quân nhân tham gia lực lượng GGHB. Đầu năm 2018, Việt Nam sẽ cử một Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế 70 người tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc, trong đó có các nữ sĩ quan.