Các hộ nghèo được cấp bò đang rất lo
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Hương Khê đã có 48 con trâu bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. Trong số này có 30 con bò dự án và 18 con trâu bò địa phương cùng 5 con lợn (đã được tiêu hủy) bị mắc bệnh. Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng bởi dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan.
Anh Lê văn Thiết (xã Gia Phố) nói trong lo lắng: “Vừa rồi, tôi có nhận được một con bò hỗ trợ. Thế nhưng, lúc nhận bò, chân nó đã bị sưng hết cả và rất khó đi lại. Hiện tại, cả 4 chân của con bò cấp cho gia đình tôi vẫn còn sưng và đã ăn được một ít. Những ngày qua không chỉ tôi mà cả người dân trong xóm rất lo lắng vì bò của tôi nhận về chăn thả chung nên tôi sợ lây sang gia súc của họ. Nếu buộc ở chuồng nhà thì sợ lây lan ra bò của gia đình, mà đi gửi cũng không biết gửi ở đâu. Rất nhiều người đã yêu cầu tôi mang bò đi trả lại”.
Con bò gia đình anh Thiết, xã Gia Phố từ khi nhận về đến nay bốn chân vẫn còn sưng và lở mồm. Ảnh: Nguyễn Duyên
Còn bà Nguyễn Thị Tứ, trú tại xóm 6, xã Phú Phong nói: “Sau khi phát hiện bò bị lở mồm long móng, tôi mất ăn mất ngủ. Con bò giá cả chục triệu đồng, tôi sợ nhất là bệnh lây lan, hàng xóm e ngại rồi từ đó mà mất tình đonà kết.
“Đây không phải đưa bò về hỗ trợ cho người dân mà đưa dịch bệnh về cho địa phương. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét lại quy trình cũng như trách nhiệm của những người có liên quan”- một người dân bức xúc.
Bà Tứ lo lắng trước việc bò hỗ trợ bị bệnh sẽ lây lang sang bò xung quanh. Ảnh: Nguyễn Duyên
Ông Trịnh Xuân Thắng - Chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết: “Khi nhận được quyết định của UBND huyện về việc hỗ trợ bò cái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chúng tôi đã tiến hành cho họp các thôn để bình xét. Sau đó trình kế hoạch cho Phòng Nông nghiệp huyện và ký hợp đồng với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê. Đến ngày 24.10, đoàn cán bộ của 3 xã chúng tôi ra tận trại giống đề xem bò. Thời điểm chúng tôi đến nhìn đàn bò rất đẹp. Thế nhưng, đến ngày hôm sau thì đơn vị cung ứng chở bò về trao cho dân. Cũng không hiểu nguyên nhân từ đâu mà sau khi nhận bò về lại phát bệnh lở mồm long móng. Tôi hy vọng dịch sẽ được khống chế và không lây lan ra bò địa phương”.
Lòng vòng trách nhiệm
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Minh Long-Giám đốc Trung tâm này cho biết: “Đây là sự việc không mong muốn. Để xảy ra sự việc này trách nhiệm trước hết thuộc về Trung tâm. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các địa phương, người dân, nơi cung cấp con giống để khống chế dập dịch. Còn trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị sẽ được làm rõ. Đến lúc phát hiện ra dịch bệnh trên đàn bò vừa được cấp cho người dân tôi mới được biết về việc người dân một số xã được nhận bò hỗ trợ. Trước đó quy trình làm và kế hoạch của dự án tôi không hề được cấp dưới báo cáo (?)”.
Phóng viên trao đổi với ông Trần Hoài Sơn - Phó GĐ Trung tâm này thì ông Sơn thừa nhận: “Đúng là trước đó, tôi không thông báo vấn đề trên cho Giám đốc. Tôi chỉ nói với cán bộ kế toán báo cáo cho Giám đốc Trung tâm khi số bò trên đã được chở đến trao cho người dân mà thôi”.
Đoàn cán bộ chi cục Thú y Hà Tĩnh kiểm tra dịch bệnh trên đàn bò mắc bệnh. Ảnh: Nguyễn Duyên
“Sáng 25.10, khi đơn vị cung ứng đưa bò về, tôi đã giao cho đồng chí Thức báo cáo với anh Long nhưng sáng đó anh Long đi họp bên huyện nên không gặp được. Đến chiều cùng ngày (khi đã phát dịch) tôi đã yêu cầu anh Thức đưa toàn bộ hồ sơ có liên quan cho anh Long” - ông Sơn nói.
"Qua các triệu chứng lâm sàng, chúng tôi đã xác định được 30/30 còn bò hỗ trợ cho người nghèo thuộc dự án 30a trên địa bàn huyện Hương Khê đúng là bị bệnh lở mồm long móng" - ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Hà Tĩnh. |
Ông Sơn cũng giải thích: Sau khi thống nhất đơn vị cung ứng giống với Trại giống chăn nuôi Bắc Nghệ An, chúng tôi đã ra tận nơi để kiểm tra và thấy họ có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch. Sau đó, chúng tôi cũng đã mời lãnh đạo của 3 xã ra tại trại giống để kiểm tra, hoàn tất hồ sơ, tiêm vắc xin, bấm thẻ tai, thống nhất ngày đơn vị cung ứng chở bò về cấp cho dân.
Sau khi xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn bò của dự án cũng như một số con bò của địa phương, Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã có đoàn công tác kiểm tra thự tế tình hình dịch bệnh tại huyện Hương Khê. Hiện Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục gửi mẫu bệnh phẩm để chuyển ra Trung tâm thú y vùng III tại Nghệ An để xác định rõ chủng loại virus gây bệnh để có hướng điều trị.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.