Dân Việt

“Vua cá tra” Hùng Vương đang... đuối sức

Quốc Hải 02/11/2017 13:00 GMT+7
Tiếp tục chìm trong thua lỗ, “Vua cá tra” Hùng Vương quyết định tiếp tục bán đi “đứa con cưng” là Thực phẩm Sao Ta - doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống HVG - sau khi đã bán hàng loạt lô đất vàng và giải thể Địa ốc An Lạc...

Sau khi tiến hành hàng loạt thương vụ M&A lớn nhỏ cùng với các doanh nghiệp cùng ngành trong thời gian ngắn, HVG nhanh chóng vươn lên trở thành một gã khổng lồ trong ngành thủy sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ cũng bởi vì “phình to” quá nhanh song sức khỏe tài chính của DN này không theo kịp dẫn đến tình trạng “sống dở, chết dở” của một số thành viên trong hệ thống.

img

"Vua cá tra" Hùng Vương đang khá chật vật vì khoản vay nợ khổng lồ  (Ảnh: IT)

Bán đi “đứa con cưng”, HVG còn gì?

Sau khi tiếp tục báo lỗ niên độ 2016-2017, mới đây nhất, HĐQT Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) đã quyết định sẽ bán hết hơn 21,16 triệu cổ phiếu (CP) đang nắm giữ tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) tương ứng với 54,28% vốn. Đây có lẽ là quyết định khó khăn của ông Dương Ngọc Minh bởi trong điều kiện toàn bộ hệ thống HVG đang gặp khủng hoảng thua lỗ, nợ vay khủng... thì FMC lại đang là “đứa con cưng” khi các chỉ tiêu kinh doanh khá ổn định.

Cụ thể, nếu so sánh trong ngành thủy sản, FMC cũng thuộc vào hàng “ông lớn” xuất khẩu sang Mỹ và Nhật. Tính hết niên độ 2016-2017, FMC thực hiện được khoảng 15.400 tấn thành phẩm tôm, còn nông sản là 1.400 tấn, đều vượt kế hoạch đề ra. Doanh số chung 144 triệu USD, dù chưa đạt mức 150 triệu USD đề ra cho cả niên độ, song lợi nhuận trước thuế thì đạt 125 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và tăng 60% so với năm trước.

Có thể nói, trong điều kiện HVG đang chìm trong thua lỗ với các chỉ tiêu như: Lũy kế cả niên độ, HVG vẫn chìm trong thua lỗ với 132 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 49 tỷ đồng của niên độ trước. Các chỉ tiêu nợ vay vẫn cao ngất ngưởng khi tại thời điểm 30.09.2017, tổng nợ phải trả của HVG ở mức 10.863 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 7.016 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn khoảng 888 tỷ đồng... thì rõ ràng FMC là DN nổi trội nhất trong hệ thống.

Điều đáng nói, trước đó tại Đại hội cổ đông thường niên của HVG, ông Dương Ngọc Minh khẳng định: “Hồi tháng 3.2017, Hùng Vương có ý định thoái vốn FMC nhưng sau đó không bán nữa do đã thu xếp được vốn nên đã xin lỗi đối tác muốn mua lại số cổ phần này. Theo dự kiến của HVG, đến tháng 10.2017, với lượng cá bán ra thì HVG sẽ thu về trên 5.000 tỷ đồng...”. Tuy nhiên, có lẽ kế hoạch thực hiện không như dự kiến nên HĐQT HVG vẫn quyết định “gả” đi đứa con này.

Theo dự kiến, nếu bán toàn bộ số cổ phiếu này theo thị giá cổ phiếu FMC hiện tại (ở mức 22.850 đồng/CP, phiên ngày 2.11) thì HVG sẽ thu về khoảng hơn 483,6 tỷ đồng.

Liên quan đến việc HVG tiếp tục thua lỗ và phải bán tiếp đi “đứa con cưng” Sao Ta, sau khi đã phải bán đi hàng loạt lô đất vàng của Địa ốc An Lạc trước đó không lâu, cổ phiếu HVG liên tục lao đốc. Đến sáng ngày 2.11, cổ phiếu HVG chỉ còn giao dịch ở mức giá 5.160 đồng/CP, đây cũng là phiên “đỏ sàn” thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu HVG.

Còn nếu tính trong 1 tháng gần đây (từ ngày 1.10 đến nay) thì cổ phiếu HVG chỉ có 4 phiên tăng điểm, còn lại là chìm trong sắc đỏ. Mức giá cũng giảm từ 6.150 đồng/CP về mức 5.160 đồng/CP.

Con thuyền HVG đang... chật vật

Có thể nói, sau khi HVG quyết định bán đi toàn bộ đất vàng ở Địa ốc An Lạc để “Tập trung nguồn lực” phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi, nhiều nhà đầu tư đã rất hy vọng HVG sẽ vượt qua khó khăn nhưng dường như những kỳ vọng mà nhà đầu tư muốn thấy vẫn còn ở khá xa, hoặc ít nhất, thời gian để HVG vượt qua khó khăn còn rất dài. Kết quả kinh doanh mà HVG công bố mới đây cho thấy, HVG đã phải ghi nhận khoản lỗ 132 tỷ đồng trong niên độ tài chính 01.10.2016 - 30.09.2017, còn vượt quá khoản lỗ 49 tỷ đồng của niên độ trước.

Thêm vào đó, tình hình thanh khoản của HVG lại chưa cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tình hình nợ vay vẫn còn rất “khủng” khi tổng nợ phải trả của HVG vẫn ở mức 10.863 tỷ đồng. Chính khoản vay khủng này dẫn đến HVG đang phải trả khoản chi phí tài chính cực lớn với mức lãi vay hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong các DN con trực thuộc HVG, Việt Thắng (VTF) cũng là một cái tên đáng chú ý trong thời gian gần đây. Từ khi về với Hùng Vương, Việt Thắng từ một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khá ổn định đang lâm vào cảnh khốn đốn khi mà lợi nhuận teo tép, còn nợ vay tăng mạnh. Kết quả kinh doanh niên độ 2016-2017 cho thấy, doanh thu của DN này chỉ đạt 3.459 tỷ đồng, giảm 24% so niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 6,2 tỷ đồng, lao dốc so mức 118,7 tỷ đồng của niên độ trước.

Có khả năng, HVG sẽ phải tiếp tục bán đi Việt Thắng nếu muốn cơ cấu lại dòng tiền và đây cũng là một DN được các đối tác chú ý. Dù vậy, khả năng Việt Thắng cũng không được định giá cao như kỳ vọng trong bối cảnh DN này đang làm ăn thua lỗ, nợ vay tăng mạnh... Còn nhớ trước đó, CJ từng bàn bạc để mua Việt Thắng  nhưng giá đưa ra không như HVG kỳ vọng khi định giá chỉ 250 triệu USD, trong khi công suất nhà máy tới 1,6 triệu tấn/năm, thị trường đã có, thêm vào đó riêng trang thiết bị đã có giá trị trên 100 triệu USD, chưa tính nhà xưởng đất đai...