Dân Việt

Chàng trai cao 90cm sắp chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng

18/10/2011 06:48 GMT+7
Dân Việt - Đối với một người có tình trạng sức khỏe hạn chế như Nguyễn Sơn Lâm - cao 90cm, nặng 27kg, khi di chuyển phải dùng nạng chống - leo Fansipan thực sự là một thử thách về thể lực và ý chí.

Leo lên đỉnh Fansipan (ngọn núi cao nhất của Việt Nam nằm ở tỉnh Lào Cai) với độ cao 3.143m vốn đã là một thách thức về thể lực đối với nhiều người bình thường. Còn đối với một chàng trai đặc biệt như Sơn Lâm khi quyết định chinh phục “nóc nhà Đông Dương” vào cuối tháng Mười này, thì đây quả là một sự kiện đáng chú ý.

img
Sơn Lâm sẽ bắt đầu hành trình chinh phục Fansipan vào cuối tháng 10 này

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Sơn Lâm ngay trước chuyến đi nhiều ý nghĩa nhưng cũng lắm khó khăn được báo trước này.

Thể lực quan trọng, nhưng tinh thần còn quan trọng hơn

Ý định leo Fansipan của Sơn Lâm đã được hình thành và nung nấu như thế nào?

- Cách đây hơn một năm, tôi đã tình cờ đọc được một bài viết trên Facebook về “Nụ hôn cao nhất Việt Nam” được thực hiện trên đỉnh Fansipan. Tôi đã cảm nhận rõ nét rằng đỉnh Fansipan rất đặc biệt và nghĩ rằng việc mình chinh phục được Fansipan sẽ tạo một dấu ấn rất đặc biệt.

Việc tôi đặt mục tiêu này trước tiên là do cá tính ưa thử thách. Thứ hai, tôi muốn tạo một hình ảnh tích cực cho một số người khuyết tật, thiệt thòi nhìn vào để sống có ý chí hơn, có ích hơn và có ước mơ lớn hơn. Thứ ba nữa là tôi cũng muốn nhân dịp này giới thiệu và quyên góp ủng hộ cho quỹ từ thiện "Sơn Lâm và những người bạn" - quỹ được thành lập để trở thành một cầu nối trung gian, đưa những hỗ trợ hảo tâm của mọi người đến tận tay những người thiệt thòi trong xã hội như trẻ em nghèo, người khó khăn…

Sơn Lâm đã chuẩn bị gì cho chuyến đi này, về cả thể lực và tinh thần?

- Để thực hiện được hành trình này, sự chuẩn bị về mặt thể lực là một yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện nay tôi thường xuyên tập Vịnh Xuân quyền. Mỗi ngày hai lần tôi cũng đều tập leo cầu thang bộ.

img Từ nhỏ đến giờ, điều tôi sợ nhất là bị ngã, vì khi ngã, tôi không tự chống đỡ được bằng tay như những người bình thường khác. Tôi mà ngã thì 90% là sẽ bị đập đầu xuống đất… Hồi còn nhỏ, tôi cứ hễ va chạm với người khác hoặc vật gì đó là bị gẫy xương. Xương gẫy rồi tự lành lại, chính bởi vậy cánh tay tôi không được thẳng… Cũng may là càng lớn, tôi càng khỏe hơn. img

Nguyễn Sơn Lâm

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Từ cách đây một năm, gặp ai tôi cũng đều “khoe” việc mình sẽ leo Fansipan, để gặp lại mình mọi người cứ liên tục hỏi “bao giờ leo đấy”. Đấy cũng là một động lực thúc đẩy để mình không còn đường lùi nữa và cố gắng xúc tiến mọi việc nhanh hơn. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cộng đồng xã hội dành cho Sơn Lâm cũng là một động lực không nhỏ cổ vũ tinh thần cho Sơn Lâm đặt quyết tâm chinh phục được thử thách này.

Năm 2010, Sơn Lâm đã từng leo Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc và nhận thấy rằng trở ngại lớn nhất không phải là độ dài của quãng đường mà là độ cao của các bậc thang. Còn tôi cũng từng leo đền Hùng (Phú Thọ) và núi Yên Tử (Quảng Ninh) thì cũng vẫn thấy bình thường.

Xin được hỏi hành trang mang theo của Sơn Lâm, ngoài đôi nạng thì các vật dụng khác có gì đặc biệt so với mọi người?

- Như mọi người cũng đã biết, những trang bị như quần áo, giày… khi leo Fan là loại chuyên dụng riêng. Nhưng hiện giờ Sơn Lâm vẫn đang lo không biết có thể mua được những vật dụng thiết yếu này phù hợp với cỡ của mình không (vì bình thường Sơn Lâm đi mua đồ vẫn phải vào các baby shop để sắm). Cho nên nếu mà người ta có sản xuất những đồ dùng chuyên dụng này cho cả trẻ em thì may ra Sơn Lâm mới mua được.

img
Mỗi ngày Sơn Lâm đều leo cầu thang bộ để tập thể lực

Miễn là dám nghĩ dám làm

Giả sử trong hành trình leo Fansipan, vì lý do bất khả kháng nào đó mà không lên được tới đỉnh cao nhất, Sơn Lâm sẽ đối diện với điều này ra sao?

- Khi đã quyết định tham gia vào hành trình này, tôi đặt mục tiêu sẽ chinh phục đỉnh Fansipan bằng mọi giá. Nhưng trên đường đi, có thể gặp phải những phát sinh ngoài dự kiến khiến mình không thể đi tới đích cuối cùng thì tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Bởi không thể cập đích được lần này thì sẽ còn lần khác nữa. Miễn là mình đã dám nghĩ và dám làm, dám đặt ra mục tiêu và dám quyết tâm thực hiện.

Hẳn là Sơn Lâm sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người bạn đồng hành của mình trong quá trình leo Fansipan, nhưng mức độ hỗ trợ này đến đâu là chấp nhận được để hành trình chinh phục này thực sự là cuộc chinh phục chứ không đơn thuần là một chuyến đi tới đích?

- Dù là người bình thường đi chăng nữa thì cũng cần tới hỗ trợ trong quá trình leo Fansipan. Đối với tôi, mức độ chấp nhận hỗ trợ ở vào mức khoảng 5-10% chặng hành trình - sẽ là những quãng đường mà việc tự vượt qua nó nằm ngoài khả năng của mình. Ví dụ như Sơn Lâm không thể lội suối - cao có thể leo được chứ sâu thì không thể lặn được. (cười hóm hỉnh)

Theo tìm hiểu của tôi, trên đường đi sẽ có những tảng đá cao quá chiều cao của tôi. Nhưng để vượt qua thì tôi sẽ không cần ai bế lên mà chỉ cần thả dây xuống để tôi tự leo lên. Hỗ trợ một cách có mức độ thôi!

Bạn bè và người thân đã phản ứng thế nào khi biết chuyện Sơn Lâm đi leo núi?

- Có một số người bạn khuyết tật ủng hộ và động viên tôi, đó là những người thành công và có khao khát lớn. Còn những người bình thường khỏe mạnh thì lại ngăn cản tôi. Nhưng Sơn Lâm có một tính từ bé đến giờ, đó là hiếu thắng, muốn làm gì là làm bằng được. Càng có nhiều người khuyên can, tôi càng muốn chứng tỏ rằng mình làm được nhiều hơn những gì mọi người nghĩ.

Một số việc nếu đứng ngoài nhìn vào thì thấy khủng khiếp. Nhưng khi lao vào rồi thì thấy cũng không khủng khiếp đến mức như ta tưởng. Tôi biết rằng những bạn bè lên tiếng khuyên can cũng là có ý tốt, lo cho mình. Nhưng tôi muốn nói rằng: Sơn Lâm sẽ làm được!

img
Sơn Lâm trên hành trình chinh phục Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, năm 2010

“Ngông” để làm động lực cho người khác

Bên cạnh những người thấy nể phục hay lo lắng cho Sơn Lâm thì không phải không có một số ý kiến cho rằng “Sơn Lâm đang chơi ngông”…

- Chơi ngông á? Sơn Lâm vốn là người ngông mà, việc gì cũng xuất phát từ sự “ngông ngông điên điên”. Bị gọi là “chơi ngông” - tôi chấp nhận. Miễn là sự ngông đó của mình không ảnh hưởng gì tới người khác.

Nhưng tôi cũng phải khẳng định rằng mọi việc tôi làm đều phải suy nghĩ rất cẩn thận. Kể cả việc leo Fansipan, mọi người có thể cho là điên cuồng, nhưng Sơn Lâm và những người bạn chân thành của mình đều nhận thức được rằng sự kiện này có một ý nghĩa rất lớn. Nếu như mình ngông để làm động lực cho người khác thì chả việc gì không ngông cả. Chỉ tội nghiệp cho những người không ngông được…

Thế Sơn Lâm đã nghĩ mình sẽ làm gì đặc biệt khi leo được tới đỉnh Fansipan?

- Tôi nghĩ rằng việc mình đứng ở độ cao 3.143m đó với đôi nạng gỗ đã là một điều đặc biệt rồi. Còn đặc biệt hơn “Nụ hôn cao nhất Việt Nam” kia rất nhiều. Còn hiện giờ thì tôi cũng chưa thể hình dung nổi cụ thể mình sẽ biểu hiện như thế nào khi đó nhưng chắc chắn là sẽ vô cùng xúc động, có thể sẽ khóc ngon lành hoặc cười rất to hoặc đứng im không nói năng gì… Nhưng tôi sẽ mặc áo quốc kỳ đứng trên đỉnh Fansipan và đó thực sự là một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời Sơn Lâm.

Sơn Lâm cũng quen nhiều bạn ở báo quốc tế nên hy vọng là sau sự kiện này, thông tin và hình ảnh của một người Việt Nam như Sơn Lâm sẽ được phủ sóng trên các báo quốc tế và để bạn bè thế giới ấn tượng và biết đến đất nước, con người Việt Nam nhiều hơn, mong muốn đến khám phá Việt Nam nhiều hơn.

Cảm ơn Sơn Lâm và chúc một chuyến đi thành công, tốt đẹp!

Nguyễn Sơn Lâm sinh năm 1982 tại Quảng Ninh, là con thứ ba trong gia đình có 4 anh em trai, có bố là liệt sĩ. Sơn Lâm đã tốt nghiệp hai trường Đại học (Khoa Tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Khoa Tiếng Nhật, Đại học Dân lập Phương Đông).

Hiện nay Sơn Lâm là CTV mảng Bóng đá của Báo Thể thao Văn hóa online, đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đào tạo Tỏa Sáng - chuyên đào tạo kỹ năng sống cho giới trẻ.