Dân Việt

Khởi nghiệp, còn bỏ bê khúc ruột?

Kim Hạnh 04/11/2017 06:00 GMT+7
Mối quan tâm lớn của tất cả doanh nghiệp hiện nay là tiêu thụ được hàng. Các bạn trẻ khởi nghiệp càng hơn thế. Thế nhưng, ngồi xem các bạn trình bày cả 30 dự án khởi nghiệp nông nghiệp của vòng thi chung kết sáng 27.10, tôi thấy khâu kiếm tiền, xài tiền và tái đầu tư phát triển chưa được các chủ dự án quan tâm đúng mức.

Có những bạn nói chuyện xài tiền rất hồn nhiên. Làm dưa từ thân cây sen, giá bán một ký lô chỉ có 150.000 đồng mà định quảng cáo trên truyền hình. Sản phẩm đặc sản, sản lượng ít mà muốn bán trong chuỗi siêu thị. Nhưng lúng túng nhất của các dự án là giải quyết bài toán “Đồng tiền liền khúc ruột”.  Dù cho ý  tưởng hay sản phẩm tốt, đẹp, mà không đảm bảo thanh khoản, dòng tiền bị tắc là dự án cũng chắc chắn bế tắc. Câu trả lời thực sự cho tất cả dự án vẫn là, phải siêng học hỏi ở ông thầy thị trường. Và nếu có thể ví von, ông chủ tài chính.

img

Câu trả lời thực sự cho tất cả dự án vẫn là, phải siêng học hỏi ở ông thầy thị trường. Và nếu có thể ví von, ông chủ tài chính.

Một điều bất ngờ trong buổi chấm thi là có một dự án làm cho ban giám khảo cười tưng bừng, thoải mái vì nhịn không nổi với đối đáp của cậu học trò 17 tuổi, lớp 12 ở Kiên Giang. Sản phẩm của em là những cây xương rồng, sống đời nhỏ li ti được em nuôi trồng trong những chai thuỷ tinh nhỏ, trên cát nhiều màu thành những chỉnh thể đặc sắc. Mới 17, em chứng tỏ “bản lĩnh marketing” khác người, khi bày tỏ cách định vị sản phẩm và cách bán hàng: sản phẩm này nhằm phục vụ những người trung lưu, yêu thiên nhiên nhưng lười; em bán ở câu lạc bộ học tiếng Anh và bày sản phẩm này ở các quán càphê. Em nói định đặt slogan cho sản phẩm là: “Tôi là một cô gái, hãy nâng niu tôi, đừng bạo lực”. Khi hỏi em nếu bận học, lỗ lã thì sao, em cười: chắc xin ba má.

Có những người lớn tuổi hơn em, nỗi đam mê đeo đuổi suốt năm tháng dù biết bao khó khăn. Đó là câu chuyện của Bùi Thị Nga, cô gái có đam mê kỳ lạ với cây tầm bóp, đã dõi theo, trải nghiệm ở Lâm Đồng. Loại cây mọc hoang này có nhiều ở Việt Nam, trái thơm, vị chua thanh và ngọt nhẹ, nhưng lại ít được sử dụng. Quyết định biến cây hoang thành thương phẩm, cô đã có một kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ khá quy mô với những thử nghiệm liên tục với thị trường. Lần thi bán kết, giám khảo hỏi cô dự định bán 1kg giá bao nhiêu, cô nói 250.000đ, nhưng lần này, cô nói giá là 150.000đ. Thị trường cho cô một đáp số khác để thúc đẩy kinh doanh.

Nhưng bất ngờ nhất lại dành cho giải nhất, một cô gái không tham gia hoạt động với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của BSA bao lâu nay. Cô trải qua nhiều thất bại, bị lừa, rồi gầy dựng lại từ đầu, lần này với: than không khói từ gáo dừa. Cô kỹ sư người miền Trung là một người làm ăn khá hiện đại. Cô xây dựng thiết bị nung gáo dừa từ tham khảo mẫu thiết bị trên… YouTube. Cô cùng khách hàng Horeca sáng chế mẫu bếp mới cho than không khói và chuẩn bị đi đăng ký bản quyền. Và bài toán thị trường cũng được đặt rất chặt chẽ. Và rồi, hôm thứ hai 29.10, một bạn trẻ từ BSA gặp cô, biết ra thêm là cô gái đã bán được hàng trên Alibaba với sự kiên nhẫn hiếm thấy.

“Đồng tiền liền khúc ruột”.  Dù cho ý  tưởng hay sản phẩm tốt, đẹp, mà không đảm bảo thanh khoản, dòng tiền bị tắc là dự án cũng chắc chắn bế tắc.

Tôi cũng quý phục bạn Trương Cẩm Minh, một chuyên gia tài chính, cũng là một ông thầy dạy khởi nghiệp kiễn nhẫn hiếm thấy: anh đi từ TP.HCM xuống Đồng Tháp, ở lại hai ngày để tư vấn cụ thể cho Bùi Chí Công, giờ gọi là Công Sen, thiết kế ra miếng lót ly bằng lá sen, để có thu nhập nhỏ mà nhiều, đảm bảo dòng tiền nuôi dự án và nuôi sản phẩm chính là hoa sen sấy.

Rất sáng tạo, giờ đây Công đã làm ra được nhiều bức tranh đẹp bằng cánh hoa và lá sen, trang trí nón lá Huế với lá sen Đồng Tháp; hay trang trí túi, bóp phụ nữ với lá sen nhuộm màu thiên nhiên. Bài toán đảm bảo dòng tiền thanh khoản không dễ, nhưng không phải quá xa vời. Càng rất cần công nghệ mới với mạng di động, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Nhưng đừng quên ông thầy thị trường và ông chủ tài chính đang ở dưới đất này, trần thế này, không phải… trên mây.

Bám sát thị trường, dần dần hiểu rồi am hiểu thị trường, đó chính là nguồn vốn vững chắc hơn là vay mượn ngân hàng hay xin Nhà nước trợ cấp. Hình như có một sự khác biệt khá xa giữa những dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp với khởi nghiệp công nghệ. Tôi theo dõi sát và cũng tham gia làm giám khảo vài dự án khởi nghiệp công nghệ. Khởi nghiệp bằng công nghệ, các bạn nói chuyện ở một “cảnh giới” khác, thế giới số, cái này đưa lên mây, cái nọ dùng trí tuệ nhân tạo, cái kia dùng robot, còn ở đây thường chỉ là heo, tiêu rừng, chùm ngây, củ ấu… và gần đây lại còn làm dự án với đủ loại chất thải: bã mía, gáo dừa, rơm rạ…

Nhưng thực ra công thức hoạt động của cả hai lãnh vực không khác gì nhau. Mô hình kinh doanh của anh là gì? Anh quản lý dòng tiền ra sao, có đảm bảo thanh khoản không? Chuỗi giá trị anh xây dựng thế nào, có hài hoà, hiệu quả? Cũng vẫn là, quản trị không tốt, không sáng tạo thì không đi xa được, dù anh có bay lên mây hay lội dưới ruộng. Điều tôi nhận ra nữa là, với các hoạt động nông nghiệp, không có thí sinh đi thi “chuyên nghiệp”. Còn với khởi nghiệp bằng công nghệ, tôi gặp lại “nhà khởi nghiệp chuyên nghiệp” không ít. Mà đôi khi với người ít quên, lại cũng hơi buồn khi thấy các bạn không chịu cải biến dự án cho hợp tình hình thế giới số, đang thay đổi chóng mặt.

Vào lúc trao giải, ông Nguyễn Lâm Viên, người đang đưa ra “nông pháp hữu cơ” đã tặng 100 triệu đồng cho sáu dự án ứng dụng sinh học. Các nhà tài trợ khác, trong đó có chuyên gia Phạm Chi Lan cũng góp vào, tặng 12 giải thưởng phụ cho tất cả người trúng giải và một số các bạn không trúng giải nhưng chú tâm phát triển thị trường, mỗi người một suất tham dự “tour khảo sát và học tập các nông trại của Thái Lan trong phát triển sản phẩm và thị trường”, do BSA tổ chức vào cuối tháng 11.2017. Như vậy, cả ứng dụng công nghệ và quản trị thị trường đều được chú trọng để giúp các dự án khởi nghiệp phát triển hơn.