Du lịch, vị thế của Đà Nẵng sẽ nâng cao sau APEC 2017
Du lịch, vị thế của Đà Nẵng sẽ nâng cao
Chỉ còn ít ngày nữa, tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại TP. Đà Nẵng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, bộ trưởng và CEO đến từ 21 nền kinh tế với khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế cùng hàng ngàn phóng viên của các hãng thông tấn báo chí.
Lúc này, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị toàn diện, chu đáo, bảo đảm Tuần lễ Cấp cao APEC được diễn ra thành công, tạo dấu ấn cho Năm APEC Việt Nam 2017.
Nhìn lại lộ trình chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao, cơ sở vật chất là nhiệm vụ cấp bách, được Đà Nẵng triển khai sớm nhất. Sau khi phối hợp với các tiểu ban thuộc Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và các bộ, ngành trung ương nhiều lần khảo sát cơ sở vật chất để chọn ra những địa điểm phù hợp. Các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng và các nhà đầu tư tư nhân đã dốc toàn lực cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các công trình phục Tuần lễ Cấp cao để mang đến bộ mặt mới, hiện đại cho thành phố; trong đó doanh nghiệp Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ.
Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam có vinh dự khi APEC là thể chế tập hợp nhiều nền kinh tế, có vai trò rất lớn trong phát triển, tăng trưởng thương mại đầu tư toàn cầu.
Ngoài ra, qua APEC này Việt Nam cũng quảng bá cho chính mình và các ưu tiên của mình. Với thành phố Đà Nẵng, sau APEC 2017, du lịch và vị thế của Đà Nẵng sẽ được nâng cao rất nhiều.
“Hội nghị cấp cao APEC là dịp để quảng bá cho hình ảnh đất nước con người Việt Nam đồng thời mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế bởi sự chú ý của cả Thế giới sẽ đổ dồn về Đà Nẵng, hình ảnh Đà Nẵng sẽ liên tục xuất hiện trên kênh phát sóng của hàng nghìn cơ quan báo chí, truyền thông. Hơn lúc nào hết, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Đà Nẵng sẽ có cơ hội được quảng bá.
Năm APEC 2017 cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trực tiếp tham gia vào hàng trăm sự kiện lớn nhỏ trong vòng 1 năm sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các quan chức cao cấp cũng như các nhà hoạch định chính sách, từ đó chủ động tích cực tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách và đưa các cam kết của APEC thành hiện thực, tạo ra một thị trường thương mại tự do trong một khu vực rộng lớn và năng động.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham gia các Hội nghị của APEC” - TS. Lê Đăng Doanh nói.
Chủ động hơn với hội nhập
Một trong những vấn đề được quan tâm tại APEC 2017 là toàn cầu hóa, bởi tự do hoá, toàn cầu hoá đang có những diễn biến khác. Trong khi đó, Mỹ đang có xu hướng trở lại với chủ nghĩa bảo hộ, còn Trung Quốc đang thúc đẩy các sáng kiến khác bên ngoài APEC.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam hội nhập bị động nhiều hơn chủ động
Theo ông Doanh, toàn cầu hóa về là quá trình tích cực. Nó chính là cái sản sinh ra APEC, cũng là mục tiêu APEC phải tập trung vào. Thách thức của toàn cầu hóa là dù nó là một cuộc chơi “đôi bên cùng có lợi”, nhưng lợi ích lại phân chia không đồng đều. Vì vậy, chúng ta cần tìm kiếm một cách thức công bằng hơn.
Với Việt Nam, dù được đánh giá là điển hình đổi mới thành công và mở cửa, song TS. Lê Đăng Doanh đánh giá: “Quá trình hội nhập của Việt Nam chủ yếu là hội nhập thụ động chứ không hề chủ động. Cụ thể, nhiều năm qua chúng ta không hề có công nghệ tiên tiến, tiền vốn, doanh nghiệp lớn để đưa doanh nghiệp Việt ra Thế giới mà ngược lại chúng ta dựa vào tài nguyên, đất đai để thu hút đầu tư nước ngoài, đổi lấy lợi ích kinh tế. Đây là điều phải rút kinh nghiệm
Hội nhập quốc tế cần trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia; gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong nước”.