Dân Việt

Người Việt đang quá ốm yếu?

Diệu Linh 05/11/2017 06:20 GMT+7
Hàng nghìn bệnh nhân khám bệnh vài chục lần/người/tháng; nhiều bệnh viện (BV) gia tăng bệnh nhân nội trú đột biến, nằm viện dài ngày.. Đó là những điểm bất thường mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa chỉ ra. Theo số liệu này, nhiều người đặt nghi vấn: “Phải chăng người Việt đang quá ốm yếu?”.

Ngày đi khám... 2-3 lần

Đó là nữ bệnh nhân M.B.N. (53 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM). Từ 1.1.2017 đến 23.10.2017, bà N đã khám bệnh tới 231 lần ở hơn 10 bệnh viện khác nhau, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả gần 129 triệu đồng. Hầu như ngày nào bệnh nhân cũng đi khám bệnh. Có những ngày khám 2-3 lần ở các BV khác nhau.

img

Thanh toán bảo hiểm y tế tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Ảnh: T.L

"Có không ít trường hợp coi khám bệnh BHYT là “nghề” để trục lợi Quỹ BHYT. Chúng tôi đang rà soát toàn bộ những trường hợp này, nếu phát hiện bất thường sẽ yêu cầu bệnh nhân hoàn tiền”.

Ông Dương Tuấn Đức 

Tìm hiểu của cơ quan BHXH, bệnh nhân N thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Trước đó bệnh nhân này cũng từng được phát hiện khám bệnh tới 79 lần ở 11 BV từ tháng 6.2016 đến tháng 1.2017, với số tiền nhận chi trả hàng chục triệu đồng.

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, qua rà soát dữ liệu (BHXH Việt Nam) cho hay, trong 10 tháng năm 2017, Quỹ BHYT phát hiện có hơn 13.100 trường hợp khám bệnh từ 50 lần/người trở lên với số tiền được quỹ chi trả là 645 tỷ đồng, trong đó gần 3.800 lượt khám hơn 100 lần/người.

Có một số bệnh nhân có lượt khám đáng nghi ngại như bệnh nhân Đ.V.N ở Long An khám bệnh tới 214 lần. Còn ở Đồng Nai phát hiện một công nhân khám bệnh 207 lượt với số tiền chi trả hơn 30 triệu đồng và một công nhân khác khám bệnh 150 lượt, Quỹ BHYT chi trả 31 triệu đồng.

“Có không ít trường hợp coi khám bệnh BHYT là “nghề” để trục lợi Quỹ BHYT. Chúng tôi đang rà soát toàn bộ những trường hợp này, nếu phát hiện bất thường sẽ yêu cầu bệnh nhân hoàn tiền. Trước đó, một bệnh nhân ở TP.HCM đã hoàn trả BHXH TP.HCM số tiền hơn 9 triệu đồng do lạm dụng thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để khám bệnh tới 319 lần trong 7 tháng”- ông Đức cho biết.

Viêm họng cấp nằm viện 6-7 ngày

Không chỉ bệnh nhân “thích” đi khám bệnh mà tại nhiều BV, số lượt bệnh nhân khám bệnh nội trú gia tăng đột biến. Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cung cấp, “vô địch” cả nước về tỷ lệ bệnh nhân nội trú thuộc về Hà Giang. Cụ thể tại BV huyện Đồng Văn, tỷ lệ vào viện 9 tháng năm 2017 là 69,6% với hơn 5.600 lượt bệnh nhân nằm viện, trong khi năm 2016 chỉ có 21,4%; BVhuyện Xín Mần 58%, hơn 6.100 lượt (2016 là 20,5%); BV khu vực Hoàng Su Phì là 55,7%, 5.200 lượt bệnh nhân (2016 là 22,2%); BV huyện Yên Minh 48,7%, gần 8.800 lượt bệnh nhân (so với 23,4 năm 2016)…

Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân đến khám được chỉ định vào điều trị nội trú toàn quốc là 9%.

Nhìn vào số liệu, nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng người Việt đang ốm bất thường?”. Tuy nhiên, hệ thống giám định của BHXH Việt Nam đã chỉ ra điểm đáng nghi vấn. Cụ thể tại BV Hoàng Su Phì có 379 bệnh nhân viêm amidan cấp nhập viện, trung bình nằm viện 6,38 ngày; 275 bệnh nhân viêm họng cấp nhập viện, trung bình nằm viện 6,1 ngày. Hai bệnh này chi phí BHYT hết hơn 1,3 tỷ đồng.

Còn tại BV Xín Mần cũng 684 bệnh nhân nội trú viêm họng cấp; 359 bệnh nhân viêm amidan cấp, số ngày nằm viện trung bình 5-6 ngày; chi phí hết hơn 2,3 tỷ đồng. Tại BV Đồng Văn có 669 bệnh nhân viêm amidan cấp, 377 bệnh nhân viêm họng cấp, trung bình nằm viện từ 6,5 -7 ngày, chi phí hết hơn 2,3 tỷ đồng.

“Đây là hai bệnh đơn giản, hầu hết chỉ khám ngoại trú, kê đơn thuốc rồi cho về, nhưng ở cả 3 BV này, bệnh nhân được chỉ định nằm viện, lại còn điều trị dài ngày là rất bất thường” – ông Trung nói.

Ngoài ra, ở nhiều bệnh viện khác cũng có tỷ lệ bệnh nhân nội trú tăng đột biến như: BV khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 65,3%; BV tỉnh Vĩnh Phúc 46,2%; BV huyện Thanh Ba (Phú Thọ) 33,5%; BV Đa khoa Hà Tĩnh gần 46,6%; BV Kiến An (Hải Phòng) 56.87%...

Ông Lê Văn Phúc- Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, qua phân tích cho thấy, các bệnh viện phía Nam có xu hướng kê đơn ngắn, kể cả bệnh nhân bị bệnh mãn tính cũng chỉ kê 5-7 ngày, dẫn đến việc bệnh nhân phải thường xuyên đi lại khám bệnh, gia tăng lượt khám ngoại trú. Nhưng ở miền Bắc thì các bệnh viện chu đáo cho bệnh nhân nhập viện hết, đỡ phải đi lại nên gia tăng tỷ lên bệnh nhân nội trú.

Ngoài ra, một số tỉnh có mức bội chi lớn có sự liên quan mật thiết đến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện. Dẫn đầu cả nước là Đà Nẵng với tỷ lệ trung bình 36 bệnh nhân nội trú/100 thẻ BHYT; Phú Thọ, Quảng Ninh là 29 bệnh nhân nội trú/100 thẻ BHYT. Trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc chỉ 20/100. Theo tính toán, nếu Đà Nẵng chỉ cần giảm tần suất nội trú còn 20 bệnh nhân/100 thẻ thì mỗi năm quỹ BHYT đã giảm chi được hơn 400 tỷ đồng.