Hôm qua (17.10), tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communicatinon) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả Dự án "Nghiên cứu- truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp". Có tới 12 hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo được nêu ra.
10 ngày đêm bị đe dọa khủng bố
Trường hợp của nhà báo Cao Hùng (Báo Lao Động) có thể được xem là một kỷ lục khi trong suốt 10 ngày đêm, ông liên tục nhận được tin nhắn và điện thoại đe dọa tính mạng.
Một số nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có ít nhất 8 vụ nhà báo bị hành hung, lăng mạ khi đang tác nghiệp. Nêu vụ việc một cảnh sát thuộc Công an quận Hà Đông đe dọa lực lượng Cảnh sát 113 đang làm nhiệm vụ và tấn công phóng viên Báo Hà Nội Mới, nhà báo Nguyễn Thanh Hà - Tổng Thư ký tòa soạn Báo Điện tử VTC News cho biết: "Các đối tượng có hành vi ngăn cản, tấn công các nhà báo có thể là bất cứ ai: Một dân thường, các nhân viên công ty, một ông giám đốc và thậm chí là một cảnh sát".
Tình trạng hành hung, tấn công, cản trở các nhà báo ngày càng trở nên phổ biến một phần là bởi việc xử lý "hung thủ" sau đó gần như không có kết quả. Còn nhớ sau khi vụ nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người Lao Động) bị tấn công gây thương tích tại điểm nóng buôn lậu Lạng Sơn, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nhưng sau đó đã phải đình chỉ điều tra chỉ vì "thương tích của ông Trần Thế Dũng chưa đủ 11% theo luật định".
Ngay trong vụ Trần Xuân Thanh ở Từ Liêm, Hà Nội tấn công các nhà báo của VTC và Báo An Ninh Thủ Đô - vụ tấn công các nhà báo duy nhất được xử lý hình sự, "hung thủ" duy nhất bị bắt giam và phải nhận án tù, thì cơ quan tố tụng cũng phải đưa vào tội danh "chống người thi hành công vụ" khi xác định các nhà báo bị tấn công được trưng tập trong một đoàn công tác liên ngành.
Sự ngăn cản êm ái
Trong tham luận của mình, nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân - phóng viên của tờ Pháp Luật TP.HCM đã nêu một hiện trạng là ngay trong chính những hội thảo về xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, báo chí cũng không được mời rộng rãi. Các phóng viên thậm chí bị từ chối cho phép tham dự hoặc không cho tiếp cận với tài liệu. Nói về cuộc họp của cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, ông Nhân gọi đây là các "cuộc họp đóng".
Các “cuộc họp đóng”, cũng như sự im lặng đồng loạt từ phía cơ quan chức năng khiến các bài báo chống tham nhũng hầu hết do các phóng viên tự điều tra với nguồn thông tin rất ít, khó khăn về chứng cứ và rất nhiều rủi ro. Thậm chí hoàn toàn không có nguồn chính thức.
Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các nhà báo được hỏi đều cho rằng hành vi cản trở báo chí nhiều nhất chính là việc né tránh, từ chối không cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo Phan Văn Tú (Báo Đồng Nai) nêu 2 ví dụ: Công ty Dong Yang có hành vi trái pháp luật với người lao động. Khi các nhà báo đến gặp, chủ doanh nghiệp mặc quần soóc và trả lời không có thông dịch viên nên không làm việc được. Một trường hợp khác tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, khi các nhà báo theo đoàn công tác của Sở LĐTBXH đến làm việc, chủ doanh nghiệp đưa ra yêu cầu chỉ làm việc với đoàn khi không có nhà báo.
Theo ông Tú: "Hành hung nhà báo là hình thức cản trở quá dễ nhìn thấy và cũng dễ quy trách nhiệm, nhưng sự im lặng đáng sợ, cố tình không cung cấp thông tin mới thật sự là một cản trở lớn, một sự ngăn cản êm ái không dễ gì buộc tội.
Anh Đào