Dân Việt

“Quả bóng” phát ngôn

18/10/2011 06:11 GMT+7
(Dân Việt) - Ai sẽ trả lời về tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến - một vấn đề mà dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm? Tại sao việc xử lý biệt thự của nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hoàng Văn Nghiên lại kéo dài lâu đến như vậy?

Tại sao không có cá nhân nào chịu trách nhiệm trước những nợ nần chồng chất, thiệt hại kinh tế ở không ít doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước?

Đây là 3 ví dụ và câu hỏi mà Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư) Nguyễn Văn Hùng nêu ra tại một hội thảo về chủ đề khung chính sách bảo vệ các nhà báo tác nghiệp.

Minh bạch thông tin đã được nói đến rất nhiều. Chính phủ thậm chí còn có quy chế cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, để tiếp cận được thông tin, báo chí liên tục đối mặt với những boong ke mà vị Phó Trưởng ban gọi nhẹ nhàng là "quả bóng" người phát ngôn. "Các cơ quan từ T.Ư tới địa phương còn nợ đọng báo chí và dư luận nhiều câu hỏi"- ông nói.

Kể từ sau khi nghị định về quy chế cung cấp thông tin cho báo chí được Chính phủ ban hành năm 2007 đến nay, vẫn chưa có thống kê chính thức để, dù đơn giản chỉ là đếm, xem có bao nhiêu bộ, ngành triển khai Quy chế, có hình thức là một văn bản quy phạm mang tính bắt buộc này.

Bởi vậy, câu chuyện tư cách của nữ đại biểu Quốc hội, hay ngôi biệt thự của vị cựu Chủ tịch TP.Hà Nội chỉ là những cái bấm ngón tay trong vô số những điều báo chí, cử tri, dư luận và nhân dân có quyền được biết, nhưng không thể biết. Dù hầu hết các cơ quan nhà nước có người phát ngôn, nhưng vô vàn trường hợp dư luận không nhận được câu trả lời.

Để có thể nhận được thông tin, các phóng viên giờ đây phải "dựa vào những quan hệ mang tính chất cá nhân", phải "nhờ vả", phải "khẩn nài", gần như một hình thức ăn xin thông tin - một cách thức mà chính Ban Tuyên giáo T.Ư cũng thấy rằng không theo một nguyên tắc nào cả.

Nguyên nhân rất đơn giản: Bởi những nguyên tắc lấy thông tin không thể tồn tại, không được chấp hành trên thực tế. "Đôi khi "quả bóng" người phát ngôn được đá qua, đá lại một cách uyển chuyển, linh hoạt gây không ít khó khăn cho báo chí" - lời của đại diện Ban Tuyên giáo.

"Trong rất nhiều trường hợp, bản thân người phát ngôn không nắm được vấn đề. Ví dụ một ông chánh văn phòng, thông thường là người lo ăn ngủ, hơn là đủ trình độ và thực tiễn để hiểu được, chẳng hạn như tình hình cúm gà trên địa bàn"- phát biểu của đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông.

Hành vi của những kẻ côn đồ cản trở báo chí dẫu sao vẫn chỉ là cá biệt và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với, một cách phổ thông, sự im lặng, thái độ lảng tránh, và "quả bóng phát ngôn" của những cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những nghiên cứu "Trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cho báo chí" được đưa vào hội thảo có chủ đề bảo vệ các nhà báo tác nghiệp.