Lại thêm một sự “trắc trở” cho LHP sau “sự cố” Cục Điện ảnh thất thoát gần 40 tỷ đồng.
Tính đến giữa tháng 10 này, mới chỉ có 5 phim có khả năng chắc chắn sẽ tham dự LHP 17. Đó là các phim “Long thành cầm giả ca”, “Mùi cỏ cháy” , “Nhìn ra biển cả”, “Vũ điệu đam mê” và “Tâm hồn của mẹ”.
Cảnh trong phim “Tâm hồn mẹ” sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. |
Tư nhân cũng không háo hức
Cho dù Ban tổ chức đã nới thời gian đăng ký phim tham dự từ ngày 30.9 tới 20.10 thì có lẽ số lượng phim cũng khó có khả năng tăng đột biến. Một kỳ LHP tổ chức rình rang tốn phí giống như một cuộc tuyển chọn sắc đẹp, giả sử nếu chỉ có chưa đến 10 ứng cử viên để chọn ra hoa hậu, á hậu tương ứng với các Bông sen vàng, bạc... thì quả là cũng quá hắt hiu.
Có thể nói những năm gần đây, hoạt động sản xuất phim của các hãng phim tư nhân nhộn nhịp hơn hẳn “phim quốc doanh”, thế nhưng đến thời điểm này, chỉ còn cách thời điểm chốt danh sách một vài ngày, hầu như tất cả các hãng phim tư nhân đều vẫn đang... cân nhắc, chưa khẳng định họ có cho phim đến dự LHP hay không.
Nhưng đã thành định kỳ, LHP không thể không tổ chức, cho dù theo lời đạo diễn Đinh Anh Dũng thì vì Cục Điện ảnh đang gặp khó khăn nên dự kiến ban đầu LHP sẽ tổ chức trong vòng 5 ngày đã phải rút xuống chỉ còn 4 (từ 13 đến 16.12). Để cho đêm bế mạc và trao giải được lên sóng truyền hình trực tiếp, ngày dự kiến ban đầu là 18.12 đã phải đẩy lên sớm 2 ngày, vào ngày 16.12, công việc chuẩn bị vì thế mà cũng cập rập hơn một chút.
Trong 5 bộ phim có khả năng chắc chắn sẽ tham dự LHP 17, có tới 3 phim đã “nhẵn mặt” từ lễ trao giải Cánh diều Vàng 2010, chỉ có “Mùi cỏ cháy” và “Tâm hồn của mẹ” là còn có khả năng gây đột biến. Bởi vậy có người nói Bông sen Vàng của LHP là một giải thưởng danh giá, nhưng thực chất lại chỉ là “nước hai” của Cánh diều Vàng!
Rút kinh nghiệm làm gì?
17 kỳ LHP, tính từ năm 1970 tới nay đã 4 thập kỷ nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn băn khoăn về cung cách tổ chức của LHP VN. Cung cách tổ chức 16 lần vẫn lặp lại một kịch bản na ná nhau: Trống dong cờ mở, nghệ sĩ tụ họp, giao lưu, hội thảo và trao giải.
Chính vì việc không chọn một địa điểm cố định mà cứ luân phiên khắp các địa phương nên mỗi lần tổ chức xong, Ban tổ chức lại rút ra một “rổ” kinh nghiệm mà hình như chẳng để làm gì, bởi đến kỳ liên hoan sau, ở địa phương khác, chắc chắn lại có một “rổ” kinh nghiệm mới.
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn băn khoăn: “Tôi tham dự nhiều LHP quốc tế rồi nên cũng thấy cách tổ chức LHP luân phiên như ở VN không phải là một cách làm ưu việt. Cái mọi người kêu ca nhiều nhất chính là cách tổ chức sao cho chu đáo, đừng có nhiều sự cố, nhưng vì mỗi địa phương chỉ làm một lần thì không thể có kinh nghiệm, lúc nào bế mạc thì Ban tổ chức ở địa phương cũng nói là do lần đầu tổ chức nên không thể tránh khỏi sai sót. Vậy tại sao chúng ta không chọn một địa phương thôi, để họ làm thật tốt, tạo nên uy tín cho liên hoan?”.
NSND Đoàn Dũng thì cho biết ông không còn háo hức khi nghĩ tới LHP cho dù đó là hoạt động có ý nghĩa lớn với giới điện ảnh. “Nếu phim ít quá thì Ban giám khảo sẽ chấm thế nào? Theo tôi, nếu phim không đủ thì để năm sau, hoặc thậm chí mạnh dạn ngừng tổ chức một thời gian trong khoảng 5 - 7 năm để có thời gian hoàn thiện tất cả mọi khâu đi, đừng cố ép để tổ chức theo đúng định kỳ” - ông Dũng nói.
Một đạo diễn xin giấu tên thì bày tỏ: “Tôi nghĩ Hội Điện ảnh và Cục Điện ảnh nên cùng nhau tổ chức một lễ trao một giải thật ấn tượng, uy tín, chứ cứ để tình trạng phim chấm ở Giải Cánh diều năm trước lại thi thố ở giải LHP quốc gia năm sau thì cũng chẳng có gì là tôn vinh nghệ thuật cả. Tiền tổ chức dềnh dang 5 - 7 ngày thì nên dồn vào làm một đêm thật chất lượng”.
Phương Phương