Tại một bệnh viện trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, sáng 24.10, bước vào khu khám bệnh người ta bắt gặp ngay những nữ nhân viên tiếp đón rất chu đáo. Thời bệnh viện công lập tự chủ tài chính hoàn toàn, bệnh viện nào cũng xem khách hàng là “thượng đế”, nên cố gắng làm hài lòng bệnh nhân là chuyện bình thường.
Quá tải bệnh nhân cấp cứu dễ tạo ra môi trường làm việc thiếu an toàn cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, có những điều dù muốn cũng không làm được. Bệnh viện xây lâu đời, khu khám ngoại trú chật chội, đông đúc, bệnh nhân chờ đợi lớp ngồi, lớp đứng lố nhố. Dù các quạt máy trên trần đã tăng hết công suất, nhưng cái nóng hầm hập vẫn khiến người ta ngột ngạt, tội nhất là những người già.
Chưa hết, xen vào đó là tiếng loa phát ra từ các quầy thu ngân và phát thuốc bảo hiểm y tế. Nhân viên gọi tên bệnh nhân đóng tiền, nhưng thay vì xưng hô “ông/bà” theo giới tính ghi trên phiếu, người ta chỉ gọi tên trống không một cách lạnh lùng, kèm theo số tiền phải đóng: “Nguyễn Văn A, 500.000 đồng”.
Một bác sĩ làm việc ở bệnh viện cho biết, năm qua lãnh đạo cũng mời người đến huấn luyện cách giao tiếp ứng xử cho nhân viên, mọi người đều phải học, nhưng có huấn luyện thế nào cũng khó thay đổi vì mọi thứ đã thành thói quen, rất khó bỏ.
Trục trặc trong quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân là nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng tấn công nhân viên y tế, nhưng gốc rễ vấn đề là quá tải bệnh viện. Tại phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, quá tải bệnh nhân là chuyện thường tình, vì thế các nhân viên y tế cũng quá quen với những kiểu quát tháo, la hét, phẫn nộ của không ít người do chờ quá lâu không thấy bác sĩ đến khám cho mình.
Nhưng theo điều dưỡng P., người có gần 20 năm làm việc ở đây, có làm hết mức cũng không xuể. Anh nói: “Phòng cấp cứu này lúc nào cũng quá tải, bệnh nhân khắp nơi đổ về, kể cả những bệnh nhẹ mà người ta hoàn toàn có thể đi cấp cứu bệnh viện gần nhà”.
Nhận ra nguy cơ phát sinh những chuyện không hay từ quá tải bệnh nhân, vừa qua lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã đề nghị sở Y tế TP.HCM thông báo các bệnh viện trong thành phố tăng cường tiếp nhận và giữ bệnh nhân lại điều trị, thay vì chuyển lên tuyến trên. Nhưng khó tin mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt vì trong suy nghĩ của nhiều người, hễ cấp cứu là phải vào bệnh viện Chợ Rẫy.
Ở bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện, cho biết chuyện nhân viên cấp cứu bị bệnh nhân hoặc người nhà của họ chửi bới, hăm doạ hành hung khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp người nhà bệnh nhân quay phim, chụp hình, hăm doạ tung lên mạng xã hội nếu bác sĩ không ưu tiên cấp cứu cho người thân họ.
Một bác sĩ cấp cứu làm việc tại một bệnh viện quận Tân Bình, nói: “Tại lối vào phòng cấp cứu của các bệnh viện lớn người ta đều phân loại bệnh nhân, nguyên tắc cấp cứu là ưu tiên bệnh nặng rồi mới đến bệnh nhẹ, chứ có bỏ bê ai đâu”. Biết như thế, nhưng nếu bệnh viện thông tin rõ ràng cho mọi người dân biết, thì có lẽ không nảy sinh căng thẳng.
Quá tải bệnh viện, môi trường bệnh viện xuống cấp, thiếu thông tin giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, kết hợp với những căng thẳng thường ngày trong cuộc sống, nên người dân vào bệnh viện dễ sinh bực bội, cáu gắt, dẫn đến những ứng xử thiếu kềm chế.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng từng thấy ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi dân số bùng nổ mà hệ thống y tế lại không đủ đáp ứng được nhu cầu chữa trị của người dân.
Tại Trung Quốc, tình trạng bác sĩ bị hành hung trở thành chuyện lớn của xã hội nước này, khi số vụ nhân viên y tế bị tấn công tăng từ 10.000 vào năm 2005 lên hơn 17.000 vào năm 2010. Năm 2012, một bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín The Lancet gọi đây là “cơn khủng hoảng cho những người hành nghề y ở Trung Quốc”, vì trong năm đó trung bình mỗi bệnh viện có 27,3 trường hợp nhân viên y tế bị tấn công, trong khi năm 2006 là 20,6, thậm chí có bác sĩ còn bị giết chết.
Trước sự gia tăng số vụ tấn công nhân viên y tế tại nước ta, lần đầu tiên bộ trưởng bộ Y tế đã lên án mạnh mẽ, kêu gọi cộng đồng và cơ quan chức năng hỗ trợ ngăn chặn thực trạng này. Thế nhưng liệu điều này và những giải pháp lâu nay mà bộ Y tế đặt ra, như huấn luyện cách ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường an ninh ở bệnh viện có giải quyết được không?
Giải pháp căn cơ và có hệ thống cần làm phải là đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế để giảm tải bệnh nhân, tạo ra một môi trường làm việc thân thiện cho bệnh viện, và nâng cao đời sống cho nhân viên y tế để họ làm việc tốt hơn. Khi nào những biện pháp này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, thì xung đột trong bệnh viện vẫn có chỗ để nảy sinh và phát triển.
Chuyện của ngành y tế, nhưng đó là chuyện của xã hội, một mình ngành y tế không thể nào làm được.