20h:
Thông tin mới nhận được lúc 20 giờ tối 4/1, ảnh hưởng của bão số 12 đã gây thiệt hại nặng cho Quảng Ngãi. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy tìm kiếm thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều hôm nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết tại huyện Ba Tơ. Cũng tại huyện này, sạt lở núi đã vùi lấp 4 con trâu của người dân ở xã Ba Xa.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 47 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy. Nhiều ngư dân trắng tay vì toàn bộ tài sản đầu tư cả tỷ đồng đã bị chìm xuống biển.
19h:
Chiều tối 4/11, ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết mưa bão đã làm 2 người thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi tại xã Đạ Cháy.
Hai nạn nhân là bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) và Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk). Nguyên nhân ban đầu khiến hai nạn nhân tử vong là do hai người đóng cửa ở trong nhà nên khi nước lũ đột ngột dâng cao khiến ngôi nhà bị cuốn trôi làm cả hai chết đuối.
Ngoài ra trên địa bàn huyện có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái.
18h10:
Theo báo cáo thiệt hại ban đầu, do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hàng loạt cây trồng bị gãy đổ.
Tại huyện Krông Bông có gần 1.000 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 140 nhà bị sập hoàn toàn, 1 người bị thiệt mạng do cây đổ. Còn tại huyện Lắk mưa lớn khiến nhiều khu vực bị ngập gần 1 mét, chính quyền địa phương phải sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bão khiến hàng trăm nhà dân tại xã Yang Tao (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị sập, tốc mái và làm một người tử vong (ảnh: Báo giao thông)
17h40:
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, bão số 12 đã làm 1 người chết, 4 người mất tích.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 25 tàu bị chìm, 2 tàu bị cuốn trôi. Trong đó tại khu vực cảng Quy Nhơn, lực lượng cứu hộ đã cứu 49 người trên tổng số 83 thuyền viên đi trên các tàu gặp nạn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão trên địa bàn tỉnh có hàng trăm nhà sập và tốc mái.
17h:
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều nay (4/11), sau khi đi vào đất liền phía nam Tây Nguyên, bão số 12 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
16h40:
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) cho biết, ảnh hưởng của bão số 12 đã làm nhiều nhà dân trên địa bàn huyện bị tốc mái, cây xanh bật gốc. Hậu quả của bão không gây thiệt hại nặng, tuy nhiên hiện tại nước lũ đang lên cao gây ngập và chia cắt 4 xã.
“Khu vực thị trấn La Hai bị ngập cục bộ, một số nơi ngập khoảng 1m. Ở các xã khác như Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Phú Quang, Phú Mỡ ngập sâu từ 1-2m, có trường hợp nhà dân ngập tới mái nhà”, ông Ngọc Anh thông tin.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, địa phương đã di dời 2.300 hộ dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Hiện tại công tác ứng phó với lũ vẫn đang được triển khai.
Nước lũ bao vây thị trấn La Hai, Đồng Xuân (Phú Yên). Ảnh: Trần Tín
15h40:
Tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thời tiết lúc này không còn gió to nhưng sóng biển vẫn lớn. Người dân và du khách liên tục kéo ra biển để xem hậu quả của bão cũng như chụp ảnh. Ngoài khơi xa, nhiều lồng bè nuôi tôm của ngư dân bị trôi dạt và nhấp nhô trên mặt nước.
Nhiều cây xanh bị gãy đổ trên đường Trần Phú và bờ biển vẫn chưa được dọn dẹp. Hiện, thành phố vẫn đang bị cúp điện trên diện rộng và chưa có thông tin cụ thể về thời gian cấp điện trở lại.
Một gốc dừa bị gió quật gãy đổ trên bãi biển Nha Trang
Nước biển đục ngầu kèm sóng lớn sau khi bão số 12 đi qua
15h20:
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của bão nên nhiều tàu, thuyền neo đậu gần cảng Quy Nhơn bị đánh chìm.
“Đến thời điểm hiện tại, lực lượng tỉnh đã cứu được 37 người. Một số trường hợp bị thương nặng sau khi sơ cứu đã được chuyển lên tuyến trên. Hiện tỉnh vẫn đang tổ chức cứu nạn, cứu hộ các tàu gặp nạn”, ông Châu thông tin.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh đang mưa lớn, nước sông đang dâng cao.
Clip: Tàu neo đậu gần cảng Quy Nhơn bị sóng đánh chìm trong bão
15h:
Theo bản tin phát lúc 14h30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên khu vực nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia
12h:
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 càn quét địa bàn tỉnh đã khiến nhiều người chết và mất tích, cả ngàn nhà dân sập tốc mái.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, do bão càn quét nên đã làm gần 1.000 dân trên địa bàn tỉnh bị tốc mái. Có 16 nhà dân bị sập hoàn toàn, 30 ghe, thuyền bị sóng đánh chìm. Mưa lớn đã khiến nhiều khu vực của tỉnh bị ngập sâu. TP Tuy Hòa bị ngập nặng, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt.
Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, Khánh Hòa cho biết gần 10 người bị mắc kẹt ở một căn nhà trên đường Phạm Văn Đồng đã được giải cứu an toàn. Tuy nhiên, thành phố đã ghi nhận một trường hợp tử vong do bão. Ông Toàn cho biết, gió to đã làm đổ một bức tường, đè vào một cháu bé gây tử vong. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cũng có 3 người chết và mất tích.
11h:
Hồi 10 giờ sáng nay, bão số 12 đang ở trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa-Đắc Lắk-Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Clip: Bão số 12 càn quét thổi bay người trên phố ở Nha Trang
10h: Khu vực gần biển Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn đang có gió giật rất mạnh. Ghi nhận trên đường Trần Phú, nhiều cây xanh, biển báo bị gãy đổ. Trên bờ biển Nha Trang, nhiều chiếc chòi cũng bị đổ sập trong bão.
Khu vực gần biển Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn đang có gió giật rất mạnh.
Trên bờ biển Nha Trang, nhiều chiếc chòi cũng bị đổ sập trong bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo trong 9 giờ tới, bão chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Campuchia.
8h35:
Sau nhiều giờ hoành hành ở Nha Trang, bão số 12 vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Ngoài đường, gió vẫn đang rất mạnh.
Trong ảnh là một khách sạn 5 sao dùng bàn ghế chắn cửa dưới sức gió quá mạnh của bão bên ngoài.
8h20:
Toàn bộ TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang cúp điện. Các khách sạn lớn phải cắt giảm hoạt động của thang máy khi dùng máy phát điện khiến nhiều du khách phải leo bộ hàng chục tầng xuống sảnh.
8h15:
TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có mưa rất to. Nhiều tuyến đường trong nội thành đã ngập hơn 0,5m, trời vẫn còn gió khá mạnh.
Nước ngập trong nội thành Tuy Hòa (ảnh Ngọc Thạch)
7h42:
Tại Bình Định
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh gió cấp 7, cấp 8 và đang mưa rất to.
“Khu vực bị ảnh hưởng nặng và mưa lớn thuộc các huyện phía Bắc Bình Định như Vân Canh, Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước”, ông Hổ thông tin.
Về tình hình hồ chứa nước Vạn Hội (huyện Hoài Ân) bị lở nửa quả núi đổ xuống lòng hồ trước đây ông Hổ thông tin hồ vẫn an toàn vì hiện tại đã có giải pháp khắc phục.Theo ông Hổ mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang dâng cao, xấp xỉ đạt mức báo động 2.
7h25:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Ninh Hòa (Phú Yên) gió giật cấp 12, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.
Lúc 7h, tâm bão ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15 - 20km/h.
7h15:
Tại Nha Trang
Hướng gió bắt đầu thay đổi cho thấy dường như cơn bão này đang bắt đầu hoành hành trong khu vực đất liền, mưa nặng hạt hơn và cây xanh rung lắc ngày càng dữ dội.
Ảnh cây xanh gãy đổ ở Nha Trang. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Hà)
Anh Nguyễn Hoàng Hà (ngụ TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, nhà anh bị mất điện từ khoảng 5h33 sáng. Cây xanh trước nhà gãy đổ trong bão. "Lần đầu tiên trong đời tôi thấy bão mà bão lớn kinh hoàng", anh Hà chia sẻ.
Cơn bão này đang bắt đầu hoành hành trong khu vực đất liền, mưa nặng hạt hơn và cây xanh rung lắc ngày càng dữ dội.
Tại Phú Yên, mưa vẫn đang rất lớn. Tuy nhiên, gió đã giảm hơn so với lúc đầu giờ sáng. Ở trong nội thành Tuy Hòa, hàng loạt cây xanh bật gốc, ngã đổ la liệt, nhiều nhà dân bị tốc mái, nước mưa chảy xối xả vào nhà, nhiều khu vực của TP điện cũng đã cúp hoàn toàn.
Cây ngã đổ, bật gốc ở TP Tuy Hòa (ảnh Minh Tước)
“Bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên lúc sáng sớm. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Bắc Phú Yên giáp với Đại Lãnh, Vạn Ninh của Khánh Hòa. Vùng tâm bão giật trên cấp 11”, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết.
6h52:
Tại Bình Định
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết hiện trên địa bàn toàn tỉnh đang có mưa to đến rất to, gió giật cấp 10, cấp 11. Trong đó, khu vực TP Quy Nhơn ảnh hưởng nặng nhất và đang mưa rất to.
“Tôi đang trên đường ra huyện Phù Cát kiểm tra. Hiện trời đang mưa rất lớn, mực nước các sông đang dâng cao. Ở khu vực ven biển, có tuyến đê vẫn an toàn, địa phương cử người chốt trực để theo dõi các khu vực xung yếu”, ông Châu nói.
6h50:
Tại Khánh Hòa
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Mạnh - Giám đốc chi nhánh đường sắt ga Nha Trang cho biết, hiện các tàu đến và đi từ ga Nha Trang đang tạm dừng tại các trạm, nhà ga và tất cả đều đảm bảo an toàn. Trong đó, tàu SE2 đi từ TP.HCM tới Nha Trang đang tạm dừng ở ga Phong Thạnh (cách Nha Trang 30km), tàu SE4 chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội cùng các tầu SE7 và SQN2 đang tạm trú an toàn ở ga Nha Trang.
"Dù mưa nhỏ nhưng hiện nay ở Nha Trang đang có gió rất mạnh. Trên các tuyến đường sắt có cây xanh và trụ viễn thông gãy đổ chắn ngang. Chúng tôi đảm bảo mọi hành khách đang an toàn, được chăm sóc với thức ăn, nước uống đầy đủ tại các ga, trạm dừng. Khi nào đảm bảo an toàn thì các tàu mới tiếp tục hành trình", ông Mạnh nói.
Clip bầu trời Nha Trang trắng xóa, thấy rõ sức hút khủng khiếp của xoáy bão kéo hơi nước ra hướng biển.
Tại vùng biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), mưa chỉ lất phất nhưng gió giật rất mạnh theo hướng từ đất liền ra biển.
TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) trắng xóa trong bão số 12.
6h32:
Tại Phú Yên
Tại tỉnh Phú Yên có mưa to và gió rất lớn. Anh Minh Chương (40 tuổi, ngụ TP Tuy Hòa) cho biết gió rất mạnh nên cả đêm gia đình không ai dám ngủ. "Từ nhỏ đến giờ mới thấy bão mà gió lớn như thế này. Bão rít từng hồi, các vật dụng, mái tôn đập rầm rầm".
Nhà dân bị tốc mái ở Phú Yên (ảnh Lê Văn Hoàng)
Gió giật mạnh, mưa lớn, cây đổ ngã hàng loạt ở Phú Yên
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết bão đang đổ bộ vào khu vực Bắc Phú Yên với sức gió trên cấp 11. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có mưa rất to kèm theo gió giật. Khu vực ven biển sóng ập vào cao 3-5m.
6h:
Gió giật tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngày càng mạnh lên. Một số tòa nhà, công xưởng đã bị tốc mái. Tôn bay hàng chục mét từ trong đất liền ra biển theo sức hút của xoáy bão.
Video: Sự khủng khiếp của bão số 12 khi đổ bộ vào Khánh Hòa
Hiện, chưa có thống kê thiệt hại tại thành phố này. Một số khu vực tại TP.Nha Trang đã mất điện khiến các khách sạn lớn phải vận hành máy phát điện. Trước đó, thông tin cúp điện trong bão đã được cảnh báo trước.
Một công xưởng bị tốc mái.
5h:
Tại Khánh Hòa
Trao đổi với PV lúc 5h35, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, bão số 12 đang trực tiếp đổ bộ vào tỉnh này với tâm bão là huyện Vạn Ninh.
Ghi nhận của PV, khu vực thành phố Nha Trang có gió rít mạnh, sóng lớn liên hồi và cây xanh rung lắc mạnh trong bão. Trên đường Trần Phú giáp biển, thỉnh thoảng có một số chiếc ô tô cá nhân, xe của lực lượng chức năng với còi hú chạy qua.
Biển Nha Trang vốn khá yên bình, nay có sóng to gió lớn.
Ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cảnh báo bão số 12 sẽ tiếp hoành hành trên biển và vùng đất liền của thành phố này tới 7 - 9h sáng. Trước đó, bão bắt đầu gây sóng to, gió lớn từ khoảng 4h sáng, nhưng chỉ có mưa phùn nhỏ.
Tương tự, khu vực biển Bắc Ninh Thuận cũng đang có gió giật mạnh, gió rít khiến nhiều cây xanh bị quật cong. Trong đất liền, người dân được cảnh báo ở yên trong nhà và các khu vực an toàn.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 12 – Damrey. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 4 giờ sáng nay (4/11), bão số 12 – Damrey đang nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão số 12 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Quảng Ngãi 115mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90mm,…
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Đến 10 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 05/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.
Trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.
Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Từ ngày 4-8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp.
Càng tiến gần về phía đất liền nước ta, bão số 12-Demrey càng mạnh thêm và thay đổi hướng di chuyển.