Có một trận chiến đã đi vào lịch sử là trận chiến dưới sự chỉ huy của người anh hùng Nguyễn Phan Vinh - mà sau này tên anh được đặt cho một hòn đảo ở Trường Sa.
Chuyến thả hàng định mệnh
Lần nào cũng vậy, có ai hỏi chuyện về chuyến đi định mệnh của tàu 235 do Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, là ông Nguyễn Văn Phong (67 tuổi) ở số nhà 48 đường Vũ Chí Thắng, TP.Hải Phòng lại ứa nước mắt. Ông Phong hiện nay là 1 trong 4 người còn sống đã từng đi trên con tàu 235.
Ông Phong -thủy thủ tàu không số ký hiệu 235. |
Ông Phong kể, năm 1963 ông vào Bộ đội Hải quân. Sau trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 21.5.1965, ông Phong bị thương. Đang an dưỡng ở đơn vị thì đầu năm 1966 ông được lệnh đi B. Lúc xuống đến tàu 235 do Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, ông mới biết mình được chọn vào đoàn tàu không số.
“Anh Vinh sống vô cùng tình cảm, luôn quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ cho anh em, nhưng trong huấn luyện lại là người rất nghiêm khắc. Có lần anh nói rằng tôi thương các đồng chí như em mình thì mới rèn các em như khi vào trận thế này để tránh thương vong lúc gặp địch” - ông Phong kể.
Ngày 6.2.1968 tàu 235 nhận hàng ở Hạ Long (Quảng Ninh) và lên đường, đến ngày 11.2 thì gặp địch phải quay về Hà Khẩu, Trung Quốc. Ngày 27.2, tàu tiếp tục hành trình nhưng vẫn bị tàu địch bám theo, Thuyền trưởng Vinh đã chỉ huy tàu chạy cắt sóng với tốc độ cao.
Đến khoảng 20 giờ ngày 29.2, tàu 235 đã cắt đuôi được tàu địch, Nguyễn Phan Vinh chỉ huy cho tàu hướng vào bờ. Vào gần đến bờ, thuỷ thủ tàu 235 thấy pháo sáng rực trời. Theo kinh nghiệm cá nhân, Thuyền trưởng Vinh nhận định tàu chưa bị lộ, nhưng một khó khăn là không bắt được liên lạc với bến để thả hàng.
Sau gần 2 giờ chờ đợi, thuyền trưởng quyết định thả hàng để cơ động tàu ra trước khi trời sáng. Và sau 2 giờ, các thủy thủ đã thả xuống biển gần hết 100 tấn hàng (vũ khí, thuốc men).
Quyết không để địch bắt
Hàng đang được thả thì thấy pháo sáng rực trời, trên mặt biển xuất hiện một đoàn tàu chiến của địch, còn trên trời nhiều tốp máy bay quần đảo và phóng rốc két vào sườn núi, chúng kêu gọi bộ đội đầu hàng. Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội vào vị trí chiến đấu, anh lệnh cho tàu mở 3 máy lao đi với tốc độ khoảng 27 hải lý. Địch liền nã đạn như mưa vào tàu 235. “Tôi phụ trách súng 14,5mm cũng đáp trả tới tấp, ngay băng đạn đầu tôi đã bắn cháy 3 chiếc tàu của địch, làm cho chúng không dám tiếp cận tàu 235” - ông Phong cho biết.
Bọn địch tàu nhiều lại được sự trợ chiến của máy bay, chúng bắn như vãi đạn vào tàu 235. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, tàu 235 bị địch bắn hỏng máy, không cơ động được. Anh Vinh chỉ huy tàu chạy ra xa bến cho khỏi lộ, rồi quyết định huỷ tàu. Lúc ấy thuyền trưởng đã bị thương, quấn băng trắng đầu nhưng anh Vinh vẫn bình tĩnh đi kiểm tra từng kíp nổ (trên tàu cài sẵn 3 khối thuốc nổ, được đấu bằng nhiều loại kíp: Đồng hồ, hoá học và giật tay).
Lúc này tàu 235 đã hy sinh 11 người. Anh Vinh lệnh cho những thủy thủ còn lại nổ tàu trong vòng 15 phút. Anh cũng dặn mọi người lúc lên bờ phải đi theo hướng đông bắc thì sẽ có bộ đội mình đón.
Các thủy thủ tàu 23 mỗi người kẹp 1 khẩu AK, mặc quần đùi áo may ô nhảy xuống biển và bơi vào bờ. Khi chân họ vừa chạm đất thì một luồng ánh sáng vụt lên làm ai nấy chao đảo. 3 tấn thuốc nổ đã được điểm hoả! Một nhóm 6 thủy thủ chạy về hướng đông bắc lên núi, anh Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt ở phía nam, ông Phong và 6 người khác chạy hướng khác lên phía núi.
“Từ giây phút đó tôi không được gặp lại anh Vinh nữa, sau này chỉ nhận ra mỗi chiếc áo trấn thủ của anh. Nghe dân quân nói lại là bọn địch đã bắn anh Vinh nát hết người và chiếc áo bị bay lên rặng cây” - ông Phong ngậm ngùi.
12 ngày vượt qua cái chết
Ông Phong kể tiếp, cả nhóm 7 người chạy lên núi, chân đã bị hà cứa nát tươm, người thì bị gai cào rách. Đến ngày hôm sau, chân ai cũng sưng vù, phải bện cỏ vào để đi. Không lương thực, không nước uống, không biết quân mình ở đâu, họ vớ được cái gì ăn cái đó, kể cả ốc sên, uống nước đọng ở hốc cây...
Ngày thì nằm yên một chỗ, đêm đến họ men theo bờ biển để đi, vừa đi vừa tranh thủ bắt con còng, nhặt cá chết, quả thối dạt vào bờ... để ăn. Không có nước uống, có lúc họ đã phải uống nước giải của nhau, nhưng đến ngày thứ 5 thì đắng quá không ai còn nuốt được nữa.
Cũng ngày thứ 5, anh Đoàn Văn Nhi bị thương ở đầu gối quá nặng không đi được nữa. Biết đồng đội không ai còn sức để cõng mình, anh Nhi bảo mọi người đi trước. Đến ngày thứ 10, nghe tiếng suối chảy, anh Khung (thuyền phó) đòi đi uống nước. Mọi người đã can, nhưng sức yếu nên không ai giữ được anh Khung lao xuống suối.
Sau 30 phút thì có tiếng súng, những người còn lại đợi mãi không thấy anh Khung lên mới biết anh đã gặp nạn (năm 1973 anh Khung được trao trả và kể lại rằng lúc đó anh bị địch bắt, anh nói là lính bộ binh bị lạc đường để che giấu tung tích của đoàn tàu không số).
Đi đến ngày thứ 12 thì nhóm ông Phong gặp một ngư dân, được ông cho ăn uống và móc nối gặp đơn vị bộ đội đóng gần biển. Sau đó, cả nhóm được đưa ngược lên cao nguyên trung phần, từ đó đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc, tiếp tục nhận tàu mới để chở vũ khí vào Nam.
Kỳ 3: Sự hy sinh thầm lặng
Gia Tưởng