Dân Việt

"Hoa núi rừng" tụ hội giữa Thủ đô

Tùng Anh 04/11/2017 13:58 GMT+7
Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, là người dân tộc rất ít người ở những vùng khó khăn nhất của đất nước.,. tuy nhiên, những điều đó không hề cản trở ước mơ đến với giảng đường ĐH bằng thành tích cao nhất của những “bông hoa núi rừng” tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2017 tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (4.11).

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở (Tân Cương, Thái Nguyên), từ nhỏ em Lê Văn Đại (dân tộc Thái) đang học tại Trường ĐH Y Thái Nguyên đã có mơ ước trở thành bác sĩ. Đại kể, điều kiện khám chữa bệnh của người dân trong bản em khá khó khăn. Vì xa bệnh viện nên khi bị ốm, bị cảm hầu như mọi người đều tự chữa, tự tìm thuốc quanh nhà để dùng, chỉ nặng lắm mới cho đi bệnh viện.

“Đó cũng là lý do mà em muốn trở thành một dược sĩ, sau này có thể đem kiến thức của mình giúp ích cho mọi người xung quanh” - Đại chia sẻ. Đại cho biết thêm, chính điều này đã tạo động lực cho em luôn cố gắng trong suốt 12 năm học đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Thái Nguyên.

img

"Những bông hoa núi rừng" được vinh danh ngày 4.11 tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh

Cô sinh viên năm nhất của Học viện Tài chính Lồ Mai Duyên (Mường Khương - Lào Cai) có thân hình nhỏ nhắn trong trang phục cổ truyền của người dân tộc Mông lại gây ấn tượng khá mạnh bởi đôi mắt sáng và nụ cười duyên. Duyên cho biết, gia đình em khá khó khăn, bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, mặc dù chỉ sinh 2 người con nhưng lại phải nuôi thêm một bác bị tâm thần và một người dì tàn tật.

Ngoài việc học tại trường, thời gian ở nhà Duyên cùng em luôn phải phụ giúp bố mẹ công việc nhà, việc đồng áng và chăm sóc dì, bác. Tuy không được học bài bản nhưng cô bé Duyên lại có niềm đam mê với tiếng Anh.

Để trau dồi kỹ năng nghe nói, em thường đến các khu du lịch ở Lào Cai và gặp người nước ngoài để nói chuyện. Duyên cho biết em từng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh ở trường và trên mạng Internet.

Sa Ly Phah (dân tộc Kh’mer, đến từ Tây Ninh) tân sinh viện Khoa Địa lý (ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng là một trong số 161 gương mặt tiêu biểu người dân tộc được tuyên dương hôm nay. Sa Ly chia sẻ, hoàn cảnh gia đình em khá đặc biệt, năm em 2 tuổi mẹ mất, 4 năm sau bố có gia đình riêng, hai chị em Sa Ly phải ở cùng ông bà ngoại.

Vì điều kiện khó khăn, từ nhỏ, ngoài thời gian đi học hai chị em Sa Ly đều phải đi lột vỏ điều để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày làm việc hết cỡ em được trả từ 70.000 - 80.000 đồng tiền công. Ông bà già yếu, không còn khả năng lao động, đã có lúc em nghĩ đến việc nghỉ học, nhưng mọi người đều động viên phải cố gắng để sau này thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Nhờ những lời động viên ấy mà Sa Ly quyết tâm học tập và thi đỗ vào trường sư phạm. Hiện, vừa học, em vừa  phải tìm công việc làm thêm để trang trải cuộc sống tại TP.HCM.

Đây chỉ là 3 trong số 161 gương mặt học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2017 ngày 4.11 - sự kiện thường niên do Ủy ban Dân tộc chủ trì.

img

Trao thưởng cho học sinh dân tộc đạt thành tích cao trong học tập . Ảnh: Tùng Anh

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: “Các em là những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên, là những bông hoa ngát hương trong cộng đồng dân tộc thiểu số rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, tôi cũng muốn nhắc nhở các em không được bằng lòng về kết quả đạt được, phải tiếp tục chăm chỉ học tập văn hóa, trau dồi ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm để sau này kiếm việc làm, có thu nhập để giúp mình, giúp gia đình”.

Ông Chiến cũng cho biết thêm: “Cuộc sống luôn khắt khe, không có chỗ đứng cho những người lười biếng. Thành công nào cũng bắt nguồn từ quá trình học tập nghiêm túc. Có thể có những người học tốt ra đời chưa chắc đã thành công. Nhưng không một người thành công nào mà không trải qua quá trình học tập, lao động nghiêm túc”.

161 em là những tấm gương đại diện 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; thuộc thành phần 26 DTTS (Ê Đê, Hoa, Nùng, Tày, Thái, Thổ, Mông, Mường, Sán Dìu, Dao, Bố Y, Chăm, Khmer, Lào, Pà Thẻn, Dáy, Cơ Tu, Tà Ôi, Ngái, Cống, Gié Triêng, La Ha, La Hủ, Chứt, Ba Na, Gia Rai), trong đó có 13 học sinh DTTS rất ít người.

Có 95 em giành giải Nhì, Ba, Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 62 em đạt điểm cao trong kỳ thi THPT… Có 12 em đỗ trường Đại học Y khoa, hàng chục em khác đỗ vào các trường đại học top đầu.