Thiệt hại lớn ở nhiều nơi
Chiều nay (4.11), ông Nguyễn Văn Lương - Chi Cục Trưởng Chi cục thủy lợi (Sở NN&PTNT Gia Lai) cho biết: Tình hình mưa lũ do ảnh hưởng từ bão số 12 đã gây ra nhiều thiệt hại cho các huyện phía Đông Gia Lai (giáp Khánh Hòa, Phú Yên). Theo số liệu sơ bộ, tại huyện Kông Chro có 37 nhà dân và 2 phòng học bị tốc mái, gần 40m tường rào các công sở bị sập.
Huyện Mang Yang có nhiều cây xanh bị ngã đổ, mái nhà của trụ sở UBND xã Đêr A bị gió thổi bay. Huyện Krông Pa (giáp với tỉnh Phú Yên) có 7 nhà bị tốc mái, địa phương đã di dời 20 hộ dân và 48 con bò đên nơi an toàn. Thị xã Ayun Pa có 8ha cây hoa màu và nhà 13 hộ dân bị ngập. Hiện các địa phương vẫn đang thống kê nên chưa báo cáo hết thiệt hại.
Cây xanh bị gãy đổ ở thị xã An Khê.
Tại Đắk Lắk, sau khi tràn từ Khánh Hòa lên, bão số 12 đã cô lập hàng trăm hộ dân, làm sập nhà, mất điện, ngập lụt trên diện rộng. Chiều 4.11, ông Mai Trọng Dũng - Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đắk Lắk - cho biết, bão số 12 đã làm sập 1 nhà dân (ở huyện Krông Năng), tốc mái 14 nhà (huyện Krông Năng và Ea Kar), 2 hộ dân khác (huyện Ea Kar) phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Đắk Lắk, nhiều khu vực trong tỉnh đang bị cô lập do đường sá ngập lụt, cầu cống bị cuốn trôi, nước sông suối dâng cao và chảy xiết. Trong đó ngầm tràn liên hợp Ea H’mlay thuộc xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) bị cuốn trôi đã cô lập hàng trăm hộ dân; cống qua đường vào thôn 11, xã Cư Yang (huyện Ea Kar) bị lũ cuốn phăng, cô lập 23 hộ dân.
Ngoài ra, do nhiều trụ điện bị gãy đổ, huyện Ea Kar có 14/16 xã phải cúp điện, huyện Krông Bông cắt điện tại xã Yang Mao và xã Cư Drăm để đảm bảo an toàn. Cũng do ngập lụt trên diện rộng, UBND huyện MĐrắk đã tổ chức di dời khoảng 100 hộ dân tại Buôn Luếch (xã Krông Jin) đến nơi an toàn.
Trụ sở Công an huyện M'Đrắk, Đắk Lắk bị tốc mái, sạt tường.
Tại Lâm Đồng đã có 2 người chết, hàng chục căn nhà bị tốc mái. Riêng TP.Đà Lạt có hàng chục cây xanh cổ thụ bật gốc, xô ngã nhiều bức tường, làm hỏng nhiều xe ô tô...
Thủy điện ồ ạt xả lũ
“Trong 12 giờ qua, lượng mưa đo được ở các huyện trung bình dưới 20mm, mực nước trên sông Ba đều dưới báo động 1 nên không ảnh hưởng nhiều. Nhưng dự báo đêm nay do lượng mưa tăng lên từ 30 - 60mm, kết hợp với nước từ thượng nguồn về sẽ tạo thành lũ nguy hiểm”, ông Lương nói.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Gia Lai, từ ngày 3 đến 4.11, các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên hệ thống sông Ba, sông Sê San đang đồng loạt xả nước đón lũ về, trung bình từ 500 - 600m3/s, có hồ đập có lưu lượng xả lên đến 2.125m3/s. Trong đó Nhà máy thủy điện Đắk Srông 3A -3B có lượng xả 2.125m3/s, hồ thủy điện Krông Năng xả 1.445 m3/s, Hồ An Khê có số liệu dự báo gần 300m3/s...
Tại Hồ Ayun Hạ có lưu lượng đến hồ 73,5m3/s và lưu lượng xả qua cống 18m3/s, xả qua tràn 177.24m3/s. Dự báo đêm nay và sáng ngày mai mực nước trên các sông, suối khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai sẽ xuất hiện lũ với biên độ dao động từ 1-3m. Tại Đắk Lắk, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xác nhận, đại thủy nông Ea Súp Thượng cũng bắt đầu xả lũ với lưu lượng ban đầu khoảng 70m3/s.
Đã có một số tuyến đường bị ngập do lũ.
Để ứng phó với ảnh hưởng bão số 12, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách, trong đó tập trung theo dõi tình hình xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi; sơ tán dân ra khỏi các vùng thấp trũng, ven sông suối, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...