Lục Yên có trên 100.000 người của 16 dân tộc anh em sinh sống. Làm nông thu nhập thấp nên nhiều thanh niên đã xuống các thành phố lớn hoặc vào Nam để kiếm việc làm. Do không có trình độ, tay nghề, nhiều người sau những năm đi làm ăn xa khi trở về vẫn chỉ với đôi bàn tay trắng.
Các lớp nghề mở tại các xã ở Lục Yên chủ yếu là đồng bào DTTS tham gia, rất khó để phân nhóm đối tượng. |
Cơ hội cho nông dân
Ngay sau khi có QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Huyện uỷ Lục Yên đã ra quyết định chuyên đề về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn định hướng đến năm 2020, huyện thành lập Ban chỉ đạo 1956, thành lập Hội đồng thẩm định, lựa chọn cơ sở dạy nghề để đặt hàng đào tạo nghề; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về học nghề.
Song song với đó, huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho ND, như: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Chi cục Thuỷ sản Yên Bái, Trung tâm Dạy nghề Lục Yên; đồng thời huy động hàng chục thợ giỏi nghề và các kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại huyện tham gia các lớp dạy nghề.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng phòng LĐTBXH huyện cho biết: "Trong số gần 500 lao động được đào tạo nghề theo QĐ 1956, thì 320 người thuộc diện nghèo, cận nghèo và người DTTS. Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp được nhiều người học nhất. Nhiều người sau khi học nghề đã đi xuất khẩu lao động, tìm được việc làm với thu nhập ổn định".
Anh Hoàng Văn Tăng - học viên lớp may của Trung tâm Dạy nghề Lục Yên tâm sự: "Nghe tin có lớp dạy may miễn phí cho người nghèo nên mình tham gia ngay. Hy vọng học xong mình sẽ tìm được chỗ làm có thu nhập ổn định".
Bà Tuyết cho biết thêm, đến nay Trung tâm Dạy nghề Lục Yên đã đào tạo trên 400 lao động. Cùng với dạy nghề, trung tâm rất chú trọng tư vấn giới thiệu việc làm cho các lao động, như liên hệ với Công ty May Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) đưa 24 học viên lớp may vào làm tại công ty; phối hợp với Công ty Xuất khẩu lao động Quang Trung, Công ty Xuất khẩu lao động Thái Nguyên tư vấn XKLĐ cho học sinh lớp xây dựng xã Khánh Thiện...
“Quá tải” đối tượng 1
Theo ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên, trước đây, trung tâm tự xác định ngành nghề đào tạo và đối tượng đào tạo. Từ khi thực hiện QĐ 1956, tỉnh giao chỉ tiêu lao động được tham gia đào tạo, ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo cho các cơ sở dạy nghề.
Ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên
Tuy nhiên, phần đa các lao động tham gia học nghề do trung tâm quản lý đều là đối tượng 1 (con thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS... được hưởng trợ cấp 15.000 đồng/buổi học). Trong khi đó, nhiều lớp học có chỉ tiêu học viêiẽt nam được giao là đối tượng 1 chiếm 90%, nên gây khó khăn cho công tác chi trả. Như lớp may đang mở, chỉ tiêu giao đối tượng 1 là 25 người, nhưng cả 27 học viên đều là đồng bào DTTS.
Ông Dũng phân trần: "Nhiều lớp 100% học viên là đối tượng 1, mà theo chỉ tiêu chỉ có một phần là đối tượng 1 nên chúng tôi rất khó tuyển sinh, bởi ở địa bàn miền núi, vùng DTTS, việc phân loại đối tượng rất khó. Năm 2010, khi chưa thực hiện QĐ 1956, chúng tôi mở được 32 lớp dạy nghề cho trên 1.000 học viên, nhưng năm nay, chúng tôi chỉ đào tạo chưa được một nửa số đó".
Triệu Tiến Minh