Dân Việt

Sôi động các chương trình kỷ 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Thảo Nguyên (tổng hợp) 05/11/2017 21:40 GMT+7
Trên khắp cả nước những ngày này đã diễn ra các chương trình hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức phát sóng chương trình “10 ngày rung chuyển thế giới” được thực hiện tại Quảng trường Đài Truyền hình Việt Nam với những phóng sự được ghi hình tại nước Nga, về những câu chuyện lịch sử cách đây 100 năm, về những quyết định sáng suốt của người lãnh tụ Cách mạng Lenin và đặc biệt đó là những câu chuyện khi hiện vật có lịch sử hàng trăm năm lên tiếng. Những bài hát trong chương trình đã đưa khán giả đến với đất nước Nga rộng lớn với những trang sử hào hùng, đến với con người Nga nồng ấm thủy chung.

Chương trình gồm 3 chương: Bão táp Tháng Mười, Tình yêu Tổ quốc và Bánh xe lịch sử. Chương đầu tiên nói về thắng lợi Cách mạng Tháng Mười đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa giai cấp công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, hiện thực hóa ước mơ, nguyện vọng hàng trăm năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công. Phóng sự đã dẫn dắt khán giả trở về năm 1917 với 10 ngày rung chuyển thế giới, khi những lời hát Quốc tế ca bay cao trên những đám đông căm giận bởi những bất công xã hội. Sự căm giận đó đã được chuyển hóa thành sức mạnh vô song trong cuộc cách mạng đứng lên giành chính nghĩa.

Với những phóng sự được ghi hình tại nước Nga, về những câu chuyện lịch sử cách đây 100 năm, về những quyết định sáng suốt của lãnh tụ V.I.Lênin và tái hiện những câu chuyện khi hiện vật lịch sử hàng trăm năm lên tiếng. Như một bản hùng ca hoành tráng, chương trình gồm 3 chương: Bão táp Tháng Mười, Tình yêu Tổ quốc và Bánh xe lịch sử. Các bài hát trong chương trình cũng đưa khán giả đến đất nước Nga rộng lớn với những trang sử hào hùng, đến với con người Nga nồng ấm thủy chung.

img

Chương trình “10 ngày rung chuyển thế giới”

Chương 2 mang tên Tình yêu Tổ quốc là phóng sự về 900 ngày thành phố Leningrad trong vòng vây của phát xít Đức, tiếng đồng hồ tích tắc trong một căn phòng tối, những mẩu bánh mì trộn mùn cưa, những người dân thành phố gầy guộc trong những bộ quần áo rách nát… Cùng với những phóng sự tái hiện lịch sử là những bài hát ca ngợi Tổ quốc như Tổ quốc bắt đầu từ đâu, Chiều hải cảng, Đại bàng con

Chương 3: Khát vọng tự do kể về thành công vang dội của Cách mạng tháng Mười Nga - thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa xã hội và được coi là mốc son đánh dấu thời đại. Thắng lợi đầu tiên đó, như V.I. Lenin đã khẳng định, chưa phải là một thắng lợi cuối cùng nhưng nó đã "mở đầu một thời đại mới" trong lịch sử nhân loại - thời đại giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Những tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga được phổ biến trên phạm vi toàn thế giới đã khích lệ các dân tộc đứng lên đấu tranh chống lại những kẻ áp bức, giành tự do và độc lập dân tộc. 

100 năm là một mốc lịch sử để toàn cầu kỷ niệm và suy ngẫm về ý nghĩa, giá trị của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng đã thay đổi số phận của nhiều dân tộc và thay đổi cục diện của thế giới thế kỷ 20. Đó cũng chính là ý nghĩa mà ê-kíp sản xuất muốn gửi tới khán giả qua chương trình 10 ngày rung chuyển thế giới.

Cùng ngày 4.11 báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Truyền hình Quốc hội, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và một số đơn vị tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giai Điệu Tháng Mười” năm 2017. 

img

Chương trình nghệ thuật “Giai Điệu Tháng Mười” năm 2017. 

Chương trình nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị bền vững của sự kiện vĩ đại Cách mạng Tháng Mười Nga.

Nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; các vị khách quý từ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam... tham dự chương trình.

Một trăm năm trước, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra con đường giải phóng nước Nga, mở đầu cho thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, để lại những bài học vô giá cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật, thông qua những lời ca, tiếng hát, bằng những hình ảnh và câu chuyện ý nghĩa, Ban tổ chức đã gửi gắm thông điệp: Với những giá trị vĩnh hằng, Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ còn mãi trong trái tim nhân loại. 

Chương trình diễn ra với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, bao gồm hát, múa "Ca ngợi Tổ quốc", "Nước Nga Tổ quốc tôi", "Lòng mẹ", "Đỉnh núi Lênin", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó", "Đồng đội", "Người mẹ của tôi", "Cuộc đời vẫn đẹp sao".... với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Hiền Anh, Phúc Tiệp... Cùng với đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ Nga, tốp nam nữ Vietsopetro, nhóm 198x, vũ đoàn Ngày Mới... Tất cả như một lời gửi gắm rằng, với truyền thống "uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ những tình cảm tốt đẹp của nhân dân Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Tình hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt - Nga luôn sâu sắc, vững bền, cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng.

Tiếp tục các hoạt động, vào ngày 6 – 7.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình “Tình khúc Bạch Dương” do Bộ VHTTDL tổ chức với sự tham gia của nghệ sĩ công huân đến từ nước Nga Pyanov Vasily, NSND Krygina Nadezhda cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như: NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo, NSND Phạm Ngọc Khôi, NSƯT Quang Huy, NSƯT Lệ Chi, NSƯT Bùi Công Duy, Trinh Hương, Tân Nhàn, Thu Hà, Lê Anh Dũng… biểu diễn.

Chương trình “Tình khúc Bạch Dương” được chia làm 3 phần: Phần 1 “Những mùa đông trắng” với các nhạc phẩm như  “Cánh đồng Nga”, Liên khúc hát múa, Múa “Bốn con thiên nga”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”…; Phần 2 với chủ đề “Ký ức chiều” với các nhạc phẩm: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví dặm”, “Chiều Matxcova”, “Đôi bờ”, “Bài ca thống nhất”…; Phần 3 có chủ đề “Thu vàng” với các nhạc phẩm: “Triệu đóa hồng”, “Đỉnh núi Lê nin”, “Chiều hải cảng”…

img

Một trong những hoạt của ngành xuất bản chào mừng kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành tập thơ Đợi anh về. Tên của sách được lấy theo tên tác phẩm của Konxtantin Ximonov. Bài thơ đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt từ năm 1947, có ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Tập thơ Đợi anh về bao gồm 180 bài thơ của 24 nhà thơ tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Olga Berggolts, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko… Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã dày công chọn lọc và dịch các bài thơ trong tập này.

Các tác phẩm được chọn trong tập thơ thể hiện chân thực về cuộc chiến, qua đó thể hiện tính cách con người Nga, văn háo Nga. Cuộc chiến đó có sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và đầy lạc quan, tin tưởng. 

Tinh thần của tập thơ giống với điều mà nhà mỹ học Borev đã nói: “Đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”. Một số bài thơ trong tập này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga, mà còn ở Việt Nam.

Tập thơ ra đời với mong muốn mang lại cho độc giả Việt một hiểu biết, đồng cảm với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và của nền văn học Xô viết. Tuyển thơ Đợi anh về được mong đợi sẽ đóng góp như là một chiếc cầu nối giữa Văn học Nga và Văn học Việt Nam.