Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đứng) trong lần phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: VPQH.
Hôm nay (6.11), Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ. PV Dân Việt có trao đổi với đại biểu Nguyễn Mai Bộ xung quanh báo cáo này.
Thưa ông, khi nghiên cứu về báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, ông băn khoăn điều gì?
- Trong công tác phòng, chống tham nhũng có vấn đề tôi thấy rất tâm tư. Có thể thấy trong báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, vấn đề liên quan đến công tác cán bộ chỉ có hơn 5 dòng, nội dung chỉ nói năm vừa qua luân chuyển được bao nhiêu cán bộ và đánh giá biện pháp luân chuyển cán bộ là để phòng ngừa tham nhũng. Vậy câu hỏi đặt ra là có tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ hay không. Trường hợp có thì báo cáo của Chính phủ nêu chưa đầy đủ. Còn không có thì tại sao người dân và dư luận lại tổng kết thành câu nói về tiêu cực trong công tác cán bộ: Thứ nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ. Đây là vấn đề tôi sẽ đăng ký phát biểu trước Quốc hội để đề nghị làm rõ thêm.
Trường hợp công tác bổ nhiệm cán bộ có tham nhũng sẽ gây nguy hiểm hơn kiểu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên thế nào thưa ông?
- Tham nhũng trong công tác cán bộ là nguy hiểm hơn bởi nó tạo ra một thế hệ tham nhũng tiếp theo. Nghĩa là khi người cán bộ phải bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền, sẽ sinh ra chuyện người đó cũng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực giống như người đã “nâng đỡ” họ nhằm để thu lại vốn đã bỏ ra. Từ đó nó lại sinh ra những người ở thế hệ tiếp theo nữa thực hiện theo quy luật đó, nghĩa là tôi bỏ tiền ra mua chức, giờ có cơ hội phải tìm cách kiếm trác để thu lại vốn. Đây là một trong 6 bất an được đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra tại kỳ họp Quốc hội trước.
Thời gian vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có nhiều kết luận phanh phui cán bộ vi phạm, theo ông điều này có tác động thế nào tới công cuộc phòng, chống tham nhũng?
- Về chủ trương tác động rất lớn nhưng nói thật với báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ tôi thấy kết quả chưa thỏa đáng. Phải chăng mới có vận động về chủ trương còn thực tiễn chưa thấy ổn.
Với những giải pháp về phòng, chống tham nhũng được nêu trong báo cáo, ông thấy cần phải bổ sung gì?
- Để ngăn chặn tham nhũng trong công tác cán bộ theo tôi bổ sung lớn nhất là sửa đổi Luật cán bộ, công chức. Bởi trong Luật này có hai điều quy định về đánh giá cán bộ và nêu mục đích của việc đánh giá cán bộ. Nhưng việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay dường như xa rời quy định đó. Chính vì thế theo tôi cần phải có thêm quy định về phương pháp đánh giá cán bộ, để buộc các cơ quan, người có thẩm quyền trong đánh giá cán bộ phải thực hiện theo. Còn với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp được trình ra Quốc hội, tôi thấy quy định cũng còn nhiều bất cập cần phải được sửa, bổ sung.
Xin cảm ơn ông (!)
Từ ngày 1.10.2016 đến ngày 30.9.2017, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016. Trong đó, qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 44 vụ, 56 đối tượng; qua công tác thanh tra 68 vụ, 107 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại tố cáo 24 vụ 44 đối tượng. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can. Cơ quan điều tra cũng đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can... |