Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh Quốc hội).
Báo chí đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tô Lâm về việc Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân sẽ được thực hiện thế nào?
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Nhà nước phải theo nguyên tắc. Chúng ta sẽ có biện pháp, sẽ có cách quản lý để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục cho người dân. Về giấy tờ của công dân cơ quan chức năng sẽ đơn giản hoá thủ tục, nhưng không phải bỏ giấy tờ là bỏ quản lý.
"Chúng tôi sẽ tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi về vấn đề này. Chiều nay hoặc chiều mai, Bộ Công an sẽ mời đại diện các cơ quan báo chí đến, có gì cần tìm hiểu, có thắc mắc thì sẽ trả lời hết", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Cũng bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về chủ đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Giữa yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ với yêu cầu phải quản lý chặt chẽ xã hội không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã chuẩn bị chu đáo, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý.
Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ. Giờ đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân, hiện Hà Nội đang triển khai việc này, riêng các tỉnh sau khi có chủ trương của Bộ Công an sẽ đồng loạt triển khai ngay. Hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ thông tin của công dân nên khi quyết định bỏ các giấy tờ đó không có vấn đề gì”, đại biểu Cầu nói.
Trả lời câu hỏi việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, cơ quan chức năng có áp lực gì trong quản lý xã hội, đại biểu Cầu cho biết: Không có áp lực gì lớn cả. Hiện cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư đang phát triển rất mạnh.
“Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất. Tuy nhiên khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn chứ không đến mức người dân đi ra đường phải mang theo mình rất nhiều giấy tờ để cùng một lúc phải kiểm tra mà chỉ cần tích hợp tất cả các dữ liệu lại và kiểm tra thì hệ thống máy có thể xác định được ngay”, đại biểu Cầu nói.
Đại biểu Cầu cho biết thêm, chủ trương bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu là rất hợp lý. Một là bỏ bớt giấy tờ thủ tục cho dân để hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Hai là không ảnh hưởng gì đến vấn đề quản lý của nhà nước. Dân các tỉnh đổ về thành phố đều kiểm soát được không vướng mắc. Thứ ba là tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho dân, cho nhà nước, từ tiền công làm sổ hộ khẩu, giấy để in sổ…
“Khi mà chuyển đổi bỏ cái cũ sang cái mới bao giờ cũng cần có thời gian nhưng với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an thì việc này chắc chắn sẽ được triển khai sớm, để cho vấn đề quản lý xã hội một cách hiện đại, hiệu quả. Nếu triển khai được việc này thì sẽ rất tốt”, đại biểu Cầu nói.