Theo ông Trần Văn Tớp, mỗi năm ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 700-800 học sinh bị nhà trường xử lý buộc thôi học. Số lượng sinh viên bị thôi học phần lớn do các em mải chơi, chưa ý thức được việc học tập. Ngoài ra, khi lên đại học, một số em được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý “xả hơi”. Lý do bị đuổi học không phải do chương trình học quá khó. Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả. Năm nào cũng có sinh viên bị đuổi học là điều rất đau xót.
Những học sinh chỉ đạt điểm trung bình học tập trong 2 năm đầu dưới 1 điểm sẽ nhận các mức độ cảnh cáo thôi học.
Ở cảnh cáo mức 2, học sinh từ 0,6 – 0,8 điểm các em sẽ bị hạn chế toàn bộ việc truy cập dữ liệu liên quan đến học tập. Điều này buộc các em phải gặp giáo viên chủ nhiệm hoặc cố vấn học tập để được định hướng, giúp đỡ.
Ở cảnh cáo mức 3, từ 0,4 – 0,55 điểm, học sinh sẽ bị buộc thôi học vì không thể theo được chương trình tại trường.
Để tăng cường sự giám sát của gia đình và nhà trường, ĐH Bách khoa sẽ cấp một tài khoản quản lý học tập cho sinh viên nhưng có 2 “chìa khóa” khác có thể xem và kiểm soát được là thầy cô và phụ huynh. Như vậy kết quả học tập của sinh viên sẽ có 3 đối tượng có thể xem là thầy cô, phụ huynh và sinh viên.
Tuy nhiên, ông Tớp cũng khuyến cáo, các phụ huynh cần tạo không gian cho con phát triển và trưởng thảnh, không nên can thiệp quá nhiều vào việc học của sinh viên.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, các trường hợp vào học theo hệ cử tuyển luôn được kiểm tra năng lực phổ thông, kết quả trung bình của 6 kỳ phổ thông không được dưới 20 điểm.
Sinh viên quốc tế (phần lớn đến từ Campuchia) do rào cản ngôn ngữ nên thường được nhà trường tổ chức các khóa dạy phụ đạo.
“Chúng tôi không dễ dãi trong việc đào tạo, nếu không, về lâu dài, chất lượng sinh viên của trường sẽ gây ra hậu quả”, ông Trần Văn Tớp nhấn mạnh.