Uber vừa chính thức công bố kết quả nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) do Uber ủy thác thực hiện. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của công nghệ chia sẻ phương tiện tại châu Á và những lợi ích tiềm năng đối với việc đi lại của người dân thành phố khi chia sẻ phương tiện được sử dụng rộng rãi hơn.
Hình ảnh kẹt xe quen thuộc thường xảy ra ở TP.HCM.
Theo nghiên cứu, với sự hiện diện của các mô hình chia sẻ phương tiện, TP.HCM chỉ cần 70% số lượng ô tô cá nhân hiện tại để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân. Đồng thời, thành phố cũng có thể tiết kiệm được diện tích đậu xe tương đương với 17 lần Thảo Cầm Viên, để có thêm không gian cho công viên, bệnh viện, trường học. Kết quả này đã cho thấy những tín hiệu tích cực cho tương lai của giao thông đô thị, bởi lẽ vấn nạn ùn tắc và khan hiếm chỗ đậu đang ngày càng nghiêm trọng.
Thực tế, hạ tầng TP.HCM đang bị quá tải với số lượng phương tiện lưu thông lên đến gần 8,2 triệu. Trung bình mỗi ngày, người tham gia giao thông tiêu tốn đến 51 phút vì ùn tắc. Lượng phương tiện “khổng lồ” đồng thời dẫn đến tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe. Theo kết quả nghiên cứu này, để đáp ứng nhu cầu đậu xe tại TP.HCM, chúng ta cần một diện tích đậu xe tương đương hai lần sân bay Tân Sơn Nhất; tuy nhiên, hiện tại, cơ sở hạ tầng của TP.HCM chưa thể đáp ứng yêu cầu này.
Trong khi đó, theo Uber, khi người dân tham gia chia sẻ phương tiện nhiều hơn, chỗ ngồi còn trống trên các phương tiện lưu thông sẽ được lấp đầy, qua đó giảm thiểu được số lượng xe trên đường. Nghiên cứu đã kết luận, nếu chia sẻ phương tiện trở thành hình thức đi lại phổ biến chỉ sau xe cá nhân thì lượng ô tô lưu thông trên đường sẽ giảm đến 27%. Như vậy, áp lực về vấn đề đậu xe cũng theo đó mà giải tỏa phần nào.
Thêm vào đó, hiệu quả tích cực của chia sẻ phương tiện không chỉ dừng lại ở những lợi ích cho giao thông đô thị. Hiện tại, ô nhiễm không khí tại TP.HCM cũng là một vấn đề đáng lo ngại (trẻ em và người có vấn đề về hô hấp cần hạn chế hoạt động ngoài trời). Số liệu cho thấy tổng lượng khí thải CO2 từ phương tiện giao thông tại TP.HCM hàng năm có thể lấp đầy 8.000 tòa nhà Bitexco. Do đó lượng xe giảm đi sẽ giúp hạn chế khí thải, người dân thành phố sẽ được hít thở trong bầu không khí thoáng đãng và trong lành hơn.
Brooks Entwistle - Tổng Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ kết quả nghiên cứu.
Ngoài TP.HCM, Uber còn tổ chức nghiên cứu ở 8 thành phố lớn khác tại châu Á, bao gồm Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta, Surabaya, Hong Kong, Taipei, Hà Nội và Manila.
Uber cho biết, sự tăng trưởng về dân số và mức độ thịnh vượng đã dẫn đến bùng nổ giao thông ở châu Á, điển hình như nhu cầu đi lại đã tăng khoảng 4 lần so với năm 1980. Tuy các nước đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu trên đà gia tăng nhưng cầu vẫn vượt quá cung trầm trọng, dẫn đến tắc nghẽn giao thông.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình cư dân tại các thành phố nêu trên mất khoảng 52 phút mỗi ngày vì ùn tắc và tốn 26 phút mỗi ngày chỉ để tìm bãi đậu xe. Vấn nạn này khiến nền kinh tế châu Á chịu thiệt hại ước tính lên đến 2 - 5% tổng sản phẩm quốc nội của mỗi quốc gia do tổn thất về thời gian và chi phí giao thông.
Để giải quyết vấn đề, cần có biện pháp kết hợp để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tức thời và hiệu quả để thay thế phương tiện cá nhân. Ước tính của Uber, nếu công nghệ chia sẻ phương tiện thay thế được phương tiện cá nhân, 9 thành phố nằm trong diện nghiên cứu có thể loại bỏ khoảng 40 - 70% lượng xe cá nhân trong lưu thông, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc và thậm chí giải quyết hoàn toàn vấn đề tại một số khu vực.
Câu hỏi này luôn gây tranh cãi giữa nhóm người đi ô tô và xe máy.