Bà Trần Thị Ánh (ở phường 9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: “Bão 12 bắt đầu quật vào khu vực nhà tôi vào khoảng gần 2h sáng 4.11. Gió mưa cứ thế rít đùng đùng, cây ngã, ngói, tôn bay rào rào. Đến khoảng 3h sáng thì tôi nghe nhiều tiếng động rất lớn; sáng ra mới biết là mấy trụ điện bê tông bị gãy đổ. Bão cứ thế điên cuồng trong ít nhất 6 tiếng đồng hồ; đến 8h sáng 4.11 gió giảm nhưng trời vẫn mưa liên tục”.
Bão 12 tàn phá khủng khiếp tại Phú Yên.
Ông Nguyễn Thành Công (ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) bức xúc: “Thật không ngờ Đông Hòa lại nằm trong vùng trọng điểm bão 12. Bởi các bản tin dự báo ban đầu đều xách định tâm bão vào khu vực nam Khánh Hòa - bắc Ninh Thuận; sau đó, dự báo mở rộng vùng ảnh hưởng bão trực tiếp là nam Phú Yên - bắc Bình Thuận. Gia đình tôi cùng nhiều người ở Đông Hòa cứ nghĩ mình nằm ở rìa cơn bão, ai dè gió bão quật kinh hoàng, tan nát hết…”.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Phẩm (ở huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) cho hay: “Trước 4.11 mấy ngày, các bản tin dự báo của trung ương đều xác định Ninh Thuận nằm trong tâm bão 12. Thế nên chính quyền và người dân đều cuống cuồng lo di dời, ứng phó bão. Nhưng sáng 4.11, ở đây chỉ thấy gió mưa lớt phớt, không có bão lớn. Hóa ra tâm bão là vùng Khánh Hòa - Phú Yên”.
Nhiều khu dân cư ở Phú Yên vẫn chưa gượng nổi sau bão 12.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên, huyện Đông Hòa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão 12.
Ông Võ Ngọc Hòa - Chủ tịch UBND huyện Đông Hoà - khẳng định: “Tôi thấy việc dự báo về cơn bão 12 là chưa chuẩn xác. Dự báo bão là đi hướng Tây - Tây Nam, vào trực tiếp Khánh Hoà và Ninh Thuận. Vậy mà bão chệch lên phía Bắc, gây hại không chỉ Khánh Hòa, mà Phú Yên và Bình Định cũng thiệt hại nặng nề, trong khi Ninh Thuận lại không thấy bão đâu cả. Điều này gây khó cho việc triển khai vận động di dời ứng phó bão tại địa phương, bởi người dân cứ nghĩ tâm bão là Khánh Hòa - Ninh Thuận”.
Tại cuộc họp khẩn sáng 5.11 do UBND tỉnh Phú Yên triệu tập, nhiều ý kiến bày tỏ sự bất ngờ trước hướng đi của bão 12 so với dự báo của trung ương trước đó. Ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Ban chỉ đạo PCTT-TKCN Phú Yên cho biết: “Trung ương báo về là bão 12 đổ bộ vào Bắc Bình Thuận - Nam Phú Yên, nhưng thực tế bão vào chính xác là vùng giữa Phú Yên - Khánh Hòa. Dự báo, nhận định tình hình cơn bão như thế là chưa chính xác”.
Ông Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - cho rằng, sức tàn phá của bão 12 đổ bộ vào Phú Yên hết sức bất ngờ so với dự báo của trung ương. “Bão 12 chệch hướng dự báo ban đầu, tràn mạnh qua Phú Yên hết sức bất ngờ. Cường độ bão quá mạnh, gây thiệt hại khốc liệt. Bão vào Phú Yên từ lúc 2h sáng, có thể nói là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào tỉnh. Vùng tàn phá chính của bão 12 chiếm khoảng 2/3 tỉnh Phú Yên và 1/3 tỉnh Khánh Hòa”.
Khi PV Dân Việt hỏi về việc theo báo cáo Chính phủ thiệt hại do bão 12 của Khánh Hòa là 7.000 tỷ đồng, gấp 10 lần Phú Yên (700 tỷ đồng), ông Huỳnh Tấn Việt nói: “Đó chỉ mới là thống kê sơ bộ, Phú Yên đang tiếp tục nắm bắt cụ thể hơn về thiệt hại trên địa bàn. Ngoài việc đề nghị chi viện từ Trung ương, tỉnh đang dốc toàn lực để lo cho dân, khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão 12”.
Dự báo bão thiếu chính xác là một trong những nguyên nhân gây vụ chìm tàu lịch sử tại biển Quy Nhơn, Bình Định.
Trong khi đó, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - quả quyết: “Bão 12 tràn vào Bình Định khủng khiếp hơn so với dự báo của Trung ương trước đó, khiến rất nhiều cơ quan và người dân bất ngờ. Ví như, vụ chìm tàu lịch sử tại biển Quy Nhơn là do anh em thủy thủ nghĩ rằng: Vượt qua được vùng biển Khánh Hòa - Phú Yên là an toàn. Thế nên các tàu chỉ neo ở phao số 0 mà không vào cảng. Riêng vụ chìm 8 tàu này đã làm 10 người chết, 3 người đang mất tích. Bình Định bị tàn phá rất nặng nề do bão 12; thiệt hại vật chất theo thống kê sơ bộ đã trên 670 tỷ đồng”.