Dân Việt

Tín dụng “đen” tàn phá: Nước mắt nông dân

19/10/2011 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Khi các vụ vỡ nợ xảy ra, những người cả đời một nắng hai sương tần tảo gom góp được chút của cải, trong chốc lát bỗng trở nên trắng tay bởi niềm tin đặt sai chỗ.

Gom tiền... cho vay lấy lãi

Vụ việc bà Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi, trú tại Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội) vỡ nợ l50 tỷ đồng khiến nhiều chủ nợ sống dở chết dở, đứng canh nhà bà Dậu để tìm chút hy vọng mong manh. Trong đó, nhiều nạn nhân có hoàn cảnh hết sức đặc biệt lại rơi vào vòng xoáy tín dụng “đen”.

img
Vợ chồng ngư dân Nguyễn Long (Duy Xuyên, Quảng Nam) - nạn nhân của hình thức vay mượn trong đường dây biêu hụi.

Sau nhiều năm làm lụng vất vả, bà Lê Thị Q (74 tuổi, trú tại huyện Thanh Oai) dành dụm được 7 chỉ vàng và 10 triệu đồng. Biết bà Dậu vay tiền trả lãi suất cao nên bà Q đã đến tận nhà và giao toàn bộ số tài sản tích cóp được nói trên cho bà Dậu với mong muốn có chút tiền để đưa hài cốt chồng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp từ miền Nam về nhà...

Bà Q ngỡ như sét đánh ngang tai khi nhận được tin Nguyễn Thị Dậu vỡ nợ, vội vàng đến thì thấy cửa nhà bà Dậu đã khóa, bên ngoài hàng trăm người dân bao vây la hét đòi tiền. Bi đát hơn là trường hợp của bà Đào Thị L (trú tại phường Quang Trung, Hà Đông).

Nghe qua họ hàng, xóm giềng, được biết là Dậu vay tiền trả với lãi suất cao, tới 4,5%/tháng, bà L đã chạy vạy để mượn bạn bè người thân được hơn... 40 tỷ đồng, rồi đưa hết cho bà Dậu. Khi hay tin bà Dậu vỡ nợ, bà L ngất lên ngất xuống, phải nhập viện cấp cứu.

Trong một trường hợp khác, cơ quan điều tra vừa khám xét nhà Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, trú tại xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội) khiến thôn quê xôn xao hàng tuần nay. Theo cơ quan công an, Cúc vay nặng lãi gần 300 tỷ đồng của các chủ nợ sau đó bỏ trốn.

Trong các con nợ đang điêu đứng vì số nợ phải gánh, có chị V - một tiểu thương ở Phú Minh, Phú Xuyên. Trong ngôi nhà trống hoác, chị V rầu rầu kể lại sự tình: “Hơn 2 tháng trước, đứa bạn thân của tôi đến chơi. Thấy tôi cứ đầu tắt mặt tối chạy chợ nhưng lời lãi không được bao, lại một nách nuôi 3 đứa con nên nó khuyên tôi đứng gom tiền cho vay lấy lãi cao.

Tôi gặng hỏi gom tiền xong sẽ “đổ” cho ai nhưng nó kín như bưng. Tin bạn, tôi không đòi hỏi thế chấp gì mà cứ thế nhận lời làm. Chỉ biết, tiền ấy sẽ cho người khác vay, còn tôi sẽ được trích lại phần trăm lãi để phụ đỡ nuôi con ăn học, ai dè chưa nhận xu lời nào mà đã phải bỏ tiền túi ra để trả lãi cho người ta”.

Nước mắt hậu hụi

Trở lại vụ bà Trương Thị Mai Thanh huy động gần 100 tỷ đồng của trăm tiểu thương, nông dân giải tỏa ở Hòa Khánh, Liên Chiểu (Đà Nẵng), người ít nhất cũng “dính” từ 30 - 50 triệu đồng. Cả một thời gian dài từ năm 2010 đến nay, dù bà Thanh đang thụ án ở trại giam, nhưng con đường Nguyễn Lương Bằng (tổ 13, Quang Thành 3B, Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dẫn vào nhà bà Thanh ngày nào cũng có hàng chục người tụ tập tại đây để hy vọng lấy được chút tiền.

Chị Dương Thị L (Hoà Khánh Nam, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), sau khi bị vợ chồng ông Tâm bà Thơ (đề cập ở kỳ 1) chiếm dụng 1,7 tỷ đồng, còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình. Chị kể, để có 1,7 tỷ, chị gom hết tiền tích cóp trong nhà, rồi huy động của cả người thân 2 bên nội ngoại. Đến khi vỡ lở, không có tiền cho chồng tiếp tục kinh doanh, tiền trả lại cho bà con họ hàng,… từ đó gia đình mâu thuẫn và kết cục ly dị là điều không thể tránh khỏi.

Mỗi trưa, anh Lê Hùng đều chở theo cô vợ mang bầu đến đây, mục đích xem có ai là người thân của bà Thanh để năn nỉ, xin cho… lấy lại tiền của mình về lo chuyện sinh nở cho vợ. Anh cho biết, dành dụm được trên 500 triệu đồng để mua nhà, trong lúc chưa mua được nhà, anh Hùng đã chơi biêu (góp hụi) với bà Thanh nhằm kiếm chút tiền lãi. “Ai ngờ, lãi chẳng thấy mà vốn cũng không thu được. Vợ chồng hục hặc mãi, vợ khóc hết nước mắt” - anh Hùng than thở.

Tương tự, bà Trần Thị L (SN 1956 ở Hoà Khánh Nam) đã vay mượn của các tiểu thương buôn bán trong chợ Hòa Khánh được gần 600 triệu và 9,6 cây vàng để giao cho vợ chồng ông Tâm bà Thơ. Sau khi nhận “hung tin”, bà đã phải liên tục nhập viện. Hiện bà đã phải bán đi căn nhà và các tài sản có giá trị để trả nợ. Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, vợ chồng xích mích liên miên. Hạnh phúc cũng trên bờ vực phá sản…

(Còn nữa)