Nguy cơ tai nạn từ “xác” tàu chìm
Chiều nay (8.11), trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Văn Vương - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết: “Các tàu hàng bị chìm tại vị trí trong vùng luồng lạch ra vào đã khiến cảng Quy Nhơn bị “tê liệt” nhiều ngày qua. Đến sáng nay, nhờ tàu hoa tiêu dẫn đường nên việc di chuyển đã được thông suốt, tàu nhỏ có thể ra vào”.
Theo ông Vương, chi phí mỗi lần cho tàu hoa tiêu dẫn đường là 500.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, xác tàu nằm dưới biển vẫn đang gây ra nhiều nỗi lo cho việc lưu thông.
“Tại cảng Quy Nhơn, hàng ngày có trung bình từ 5-7 tàu hàng tải trọng lớn ra vào bốc dỡ hàng hóa nên khi luồng lạch bị tắc sẽ gây tổn thất rất lớn. Hiện nay, tàu hàng mang tên Biển Bắc 16 chìm ngay giữa luồng lạch gây cản trở, nguy hiểm cho tàu bè ra vào xếp dỡ hàng hóa ở cảng, vào ban đêm không thể di chuyển được”, ông Vương thông tin.
Sự cố hàng loạt tàu hàng bị chìm đang khiến lãnh đạo địa phương lo lắng. Ảnh: D.T
Có 8 tàu hàng bị chìm gồm: Sơn Long 08, Việt Thuận 168, Hà Trung 8, Biển Bắc 16, Nam Khánh 26, Hoa Mai 68, An Phú 168, FEI YUE 9. Theo ngành chức năng tại địa phương, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến khoảng 400 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo cảng Quy Nhơn, tàu hàng bị chìm tại các vị trí trong vùng luồng lạch ra vào đã khiến cảng bị “tê liệt” nhiều ngày qua. Đặc biệt, trên các vị trí tại phao số 3 và phao số 5 có 2 tàu đang bị chìm là tàu Nam Khánh 26 và Biển Bắc 16. Do vậy, hầu như các tàu có trọng tải lớn không thể ra vào cảng để xếp dỡ hàng hóa.
“Mỗi ngày các tàu hàng quốc tế nằm chờ để được vào cảng xếp dỡ hàng hóa với chi phí từ 5.000-6.000 USD. Nếu không có biện pháp sớm trục vớt các tàu bị chìm để thông luồng lạch sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, tình trạng này càng kéo dài, thương hiệu cảng Quy Nhơn sẽ còn bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn lo lắng.
Nhiều thi thể được cơ quan chức năng tìm thấy trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: D.T
Phê bình trách nhiệm Cảng vụ
Liên quan đến sự cố 8 tàu hàng bị chìm, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phê bình lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, đồng thời, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc không kịp thời báo cáo số lượng tàu thuyền bị trôi, đắm tại khu vực cảng biển Quy Nhơn để có biện pháp ứng cứu kịp thời.
Tỉnh Bình Định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố chìm tàu.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể nguyên nhân nhiều tàu hàng không vào khu vực Cảng Quy Nhơn tránh trú cơn bão số 12 mà đậu ở phao số 0 dẫn đến tình trạng hàng loạt tàu bị chìm trên biển cho UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Có mặt thị sát tại hiện trường vụ chìm tàu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu lực lượng chức năng bên cạnh tìm kiếm số thuyền viên mất tích, cần đẩy nhanh công tác trục vớt, xử lý nguy cơ tràn dầu. Quá trình thực hiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, an toàn 100% cả con người và môi trường, không được để xảy ra sự cố tràn dầu.
Bên cạnh đó, ông Hà đề nghị tỉnh Bình Định làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm liên quan và tác động để các đơn vị hợp đồng trục vớt xem xét “chia sẻ chi phí cần thiết” cho chủ tàu. Với trách nhiệm pháp lý từng bên, điểm nào còn “mập mờ” phải được làm sáng tỏ.
Theo UBND tỉnh Bình Định, bão số 12 đổ bộ đã khiến 8 tàu chở hàng neo đậu ở phao số 0, cảng Quy Nhơn bị chìm, 1 tàu mắc cạn với 84 thuyền viên bị nạn, cứu được 71 thuyền viên còn sống, vớt được 11 thi thể (trong đó đã nhận dạng được 5 thi thể là thủy thủ của tàu gặp nạn). Vẫn còn nhiều người mất tích đang được tìm kiếm. Bên cạnh đó, nguy cơ các tàu hàng bị chìm sẽ gây ra tình trạng tràn dầu, ô nhiễm môi trường trên vùng biển Quy Nhơn là rất lớn. |