Sở dĩ xuất hiện thông tin Việt Nam có thể đang đàm phán mua tên lửa S-400 là vì câu trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax gây chú ý lớn của ông Mikhail Petukhov - Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự, đồng thời là Trưởng đoàn Nga tại triển lãm Defense & Security tại Thái Lan. Nguồn ảnh: Báo PK-KQ
Cụ thể, khi được Interfax hỏi rằng “Việt Nam có quan tâm tới việc mua hệ thống phòng không S-400 hay không?”, ông Petukov cho biết: "Phía Việt Nam đang tham gia các cuộc đối thoại về việc cung cấp, sửa chữa và hiện đại hóa hệ thống tên lửa phòng không. Hiện tại, các bên đang xác định danh mục những công việc để cùng thảo luận”. Nguồn ảnh: Báo PK-KQ
Mặc dù câu trả lời của ông Petukov rất chung chung, không đi thẳng vào câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam liệu có quan tâm tới tên lửa S-400. Thế nhưng, không loại trừ khả năng, Việt Nam có lẽ đang thực sự có các cuộc tiếp xúc với phía Nga liên quan tới S-400 – tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nguồn ảnh: VPK
S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) là tổ hợp tên lửa phòng không cực kỳ hiện đại do Cục thiết kế TW Almaz phát triển trên cơ sở nâng cấp toàn diện hệ thống tên lửa S-300. Những tiểu đoàn S-400 đầu tiên được trang bị cho Quân đội Nga từ năm 2007 và đến nay chúng bắt đầu được cho phép xuất khẩu khi nhu cầu trong nước đã ổn. Theo một số nguồn tin, đơn giá cơ bản của một tiểu đoàn S-400 vào khoảng 400 triệu USD. Nguồn ảnh: Wikipedia
Cũng như các hệ thống tên lửa phòng không khác từ thời Liên Xô và nước Nga hiện đại, biên chế một tiểu đoàn S-400 cũng rất phức tạp, bao gồm các đài radar thám sát, điều khiển hỏa lực và ít nhất 12 bệ phóng tên lửa với 48 quả đạn (chưa kể đạn dự trữ). Đó là chưa tính các thành phần hỗ trợ chiến đấu khác như xe cấp nguồn điện, xe bảo trì, xe tiếp đạn…Nguồn ảnh: VPK
Một tiểu đoàn tên lửa S-400 thường được trang bị 2 loại radar chính gồm: Radar điều khiển hỏa lực 92N6E và radar thám sát mọi độ cao 96L6. Trong ảnh là đài điều khiển hỏa lực 92N6E - phiên bản nâng cấp sâu từ đài 30N6E2 dùng trên S-300. 92N6E có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu, phân loại các mục tiêu, tính toán tên lửa cần phải phóng và hướng dẫn cho tên lửa định vị mục tiêu. Nguồn ảnh: Wikipedia
Trong ảnh là đài thám sát mục tiêu ở mọi độ cao 96L6E có khả năng phát hiện mọi loại máy bay gồm cả máy bay tàng hình ở mọi độ cao. Đáng lưu ý, đài 96L6E cũng được tích hợp trong các tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1 của Việt Nam. Nguồn ảnh: Wkipedia
Như đã đề cập ở trên, một tiểu đoàn S-400 gồm 12 bệ phóng tự hành với tổng cộng 48 quả đạn tên lửa từ tầm gần tới tầm siêu xa. Các bệ phóng tự hành này có thể tích hợp trên nhiều phương tiện vận tải hạng nặng. Hiện Quân đội Nga dùng chủ yếu hai khung gầm chính gồm: 5P85TE2 (khung bệ xe BAZ-64022 - trong ảnh) và 5P85SE2 dùng khung bệ MAZ-543M. Trên mỗi khung gầm tích hợp bệ phóng với 4 ống phóng tròn chứa đạn tên lửa. Nguồn ảnh: RT
Trong ảnh, khung bệ xe MAZ-543M với bệ phóng tên lửa S-400 hiện đại. Khung bệ này hiện cũng được trang bị cho các tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1 của Việt Nam. Nguồn ảnh: Wikipedia
Với mục tiêu đa dạng từ tên lửa đạn đạo tới máy bay ném bom, máy bay chiến thuật và cả trực thăng, tên lửa hành trình, cho nên kho đạn tên lửa của S-400 rất đa dạng. Từ loại có tầm bắn ngắn như 9M100E (tầm bắn 1-40km), 9M96E (bắn xa 40km) đến những loại có tầm bắn cực xa như 40N6 (tầm bắn 400km), 40N6E3 (tầm bắn 250km)... Nguồn ảnh: Wikipedia
Trong ảnh là đạn tên lửa 48N6E3 của S-400 Triumf trang bị đầu tự dẫn radar bán chủ động, tầm bắn 250km, phù hợp để tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao như máy bay ném bom chiến lược B-2, B-52... Nguồn ảnh: Wikipedia
Theo các thông tin được tiết lộ, S-400 được coi là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất hành tinh. Nó có khả năng phát hiện mục tiêu cách tới 600km, có thể đánh chặn đồng thời 80 mục tiêu với số tên lửa cùng lúc triển khai 160 quả trong khi thời gian triển khai tác chiến chỉ mất 3 phút, trần bắn mục tiêu từ 5m tới 30km. Nguồn ảnh: abs