Dân Việt

Khúc tráng ca của người Hà Nội: Hiên ngang dưới đạn bom

20/12/2012 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Dưới những trận mưa bom khủng khiếp của máy bay địch 40 năm trước, người Hà Nội vẫn kiên cường, bình thản đến lạ thường. Trong đau thương, mất mát, khí phách người Hà Thành vẫn được thể hiện rất rõ ràng...

Quên hiểm nguy, lo “cơm” cụ rùa

Năm nay đã 90 tuổi, cụ Quách Thị Gái (48 ngõ Phất Lộc, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) là một trong những nhân chứng đã trải qua thời khắc hiểm nguy mà người Hà Nội đối mặt cách đây 4 thập kỷ. Chúng tôi hỏi chuyện xưa, cụ chỉ cười nhẹ và nói: “Sợ cũng chẳng giải quyết được gì. Vì bận việc nên tôi không đi sơ tán. Mà nói thật, bom đạn của địch có thể phá sập được nhà cửa chứ làm sao đánh sập được ý chí của người Hà Nội. Cứ nghĩ thế nên tôi thấy nhẹ nhàng lắm”.

Nghe cụ Gái bộc bạch mà tôi thực sự cảm phục, bởi nếu quay ngược bánh xe lịch sử, để có được cảm giác “thấy nhẹ nhàng” khi đối diện với những cơn mưa bom rải thảm khắp Hà Nội như thế đâu có dễ chút nào.

img
Dù đã ở tuổi 90, cụ Quách Thị Gái vẫn ngày ngày chuẩn bị bánh mì để lo “cơm” cho cụ rùa.

Thắc mắc “cụ bận việc gì mà không đi sơ tán?” của tôi ngay lập tức nhận được câu trả lời. Hóa ra, việc “bận” của cụ Gái là lo “cơm” hằng ngày cho cụ rùa ở hồ Gươm. Quê gốc Đông Anh, là con nhà nho nghèo, gia đình lại đông anh em nên cụ Gái phải đi kiếm ăn sớm. Lên Hà Nội từ những năm 1940 -1941, khi Pháp còn đặt nền bảo hộ ở nước ta, cụ Gái bán quà bánh ở ga Hàng Cỏ.

Nên duyên vợ chồng với cụ ông Nguyễn Văn Mẩu là nhân viên hỏa xa, bây giờ nhớ lại, cụ Gái nói đùa: “Chuyện tình duyên của tôi chẳng khác nào chuyện “Vợ nhặt” của Kim Lân”. Chẳng là khi ấy, cụ bà (sinh năm 1923) mới chớm đôi mươi, còn cụ ông (sinh năm 1901) đã tròm trèm tứ thập, công việc bận bịu mà nhà lại nghèo nên mãi chưa lấy được vợ. Nhiều lần gặp nhau, chẳng bao giờ cụ Gái để ý đến cụ Mẩu. Thế mà một hôm, cụ ông đến mua nắm cơm rồi bảo một câu: “Có thương tôi thì về làm vợ”. Chỉ thế thôi mà họ thành vợ chồng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cụ ông qua đời ít lâu sau đó vì bệnh. Vẫn mẹt hàng quà bánh, cụ Gái ở vậy nuôi con. Không những thế, cỡ chục năm sau, cụ bắt đầu đến các lò bánh mì xin những bọc vụn bánh để cá hồ Gươm ăn, làm “cơm” cho cụ rùa. Tháng 12. 1972, khi máy bay địch chuẩn bị ném bom, các con khuyên mẹ đi sơ tán, nhưng cụ Gái kiên quyết ở lại. “Tôi mà đi sơ tán thì lấy ai lo “cơm” cho cụ rùa. Bom đạn khủng khiếp, nhưng tôi chẳng sợ. Mình làm việc tốt thì có gì mà sợ” - cụ Gái tâm sự.

Thực tế đã chứng minh, bom đạn của địch đã không đánh gục được ý chí của người phụ nữ này và suốt nửa thế kỷ qua, cụ rùa- biểu tượng hồ Gươm đã sống bằng một phần từ tình yêu và sự kiên định của một người Hà Nội bình thường, giản dị mà đáng trân trọng như thế. Đến giờ, cụ Gái vẫn ngày ngày miệt mài đi xin bánh mì rồi mang đến hồ Gươm lo “cơm” cho cụ rùa. “Tôi già rồi, giờ chỉ lo sau này tôi mất đi thì chẳng biết còn ai làm công việc này nữa không” - cụ Gái tâm sự.

“Quen” tiếng bom từ khi lọt lòng

Chào đời ngày 9.12.1972, ngay từ khi lọt lòng mẹ, chú bé Trần Dũng (ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên) đã cận kề nguy hiểm khi gia đình ở một trong những tuyến phố Hà Nội hứng chịu nhiều bom đạn của địch nhất. Nhớ về thời khắc ấy, ông Trần Đình Thược - bố anh Dũng rưng rưng kể: “Bom đạn mà máy bay địch rải thảm xuống Hà Nội ác liệt lắm. Con trai mới chào đời, còn đỏ hỏn mà liên tục phải lên, xuống hầm trú ẩn. Lần đầu bom nổ, nghe con khóc mà xót xa. Tôi phải lấy bông bịt tai con lại. Trộm vía, chỉ sau vài ngày, con tôi dường như đã quen với tiếng bom nên chỉ còn khóc vì… đói chứ không khóc vì sợ”.

Bây giờ, hằng ngày, cụ Gái vẫn dậy từ tinh mơ, lúc các mẻ bánh vừa ra lò. Các lò bánh cũng quá quen nên nhiều người còn bọc sẵn bánh vụn thành từng túi để cụ tiện mang đi thả cho cụ rùa ăn.

Cuộc sống thời ấy khó khăn, mẹ Dũng rộc người khi sinh con do phải nhịn đói quá nhiều. Thương vợ sức yếu, lại ít sữa nuôi con, ông Thược quyết định không đưa gia đình đi sơ tán. Xót con còn nhỏ mà ăn không đủ, ông Thược chắt bóp, nhờ vả mọi người để có ít tiền mua sữa bò cho con ăn. Khi ấy, hàng xóm ai cũng thương hoàn cảnh gia đình ông Thược và giúp đỡ rất nhiều dù cuộc sống hằng ngày của họ cũng không phải đã tươm tất.

Bây giờ nghĩ lại, ông vẫn còn xúc động: “Nhờ có hàng xóm, láng giềng mà gia đình qua được hoạn nạn. Tôi thì chẳng sợ gì, chỉ lo vợ yếu, con nhỏ, không đủ sức mà đi sơ tán nên ở lại. Nhưng lúc ấy, ngộ nhỡ vợ con có làm sao thì chắc tôi cũng không sống nổi”. Khó khăn là thế, nhưng sau trận bom, thấy vợ con đã tạm an toàn, ông Thược lại vội vã xông vào đống đổ nát của nhà hàng xóm đào bới cứu người còn sống.

Chỉ biết về năm 1972 qua những câu chuyện của bố, nhưng anh Dũng luôn coi đó là động lực để sống tốt hơn. “Tôi có may mắn sống sót sau những trận bom kinh hoàng ấy. Tấm lòng, tình thương của cha mẹ đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Tôi luôn tự nhủ, không bao giờ được quên quá khứ ấy để sống thật tốt”.

Bài 3: Chít khăn tang đánh giặc