Trong khi rất nhiều cán bộ xã làm không hết việc, hưởng lương “chết đói” thì vẫn có tình trạng cán bộ xã ít việc làm mà vẫn hưởng lương “ấm”. Thực trạng này cho thấy cần có phân loại cán bộ xã và loại dần những chức danh “việc ít, hưởng nhiều”.
Khổ vẫn “bám” việc
Anh Nguyễn Văn Tự - Bí thư Đoàn thanh niên xã An Hưng (An Dương, Hải Phòng) chia sẻ: “Làm công chức được hơn một năm, mà tiền lương mỗi tháng của tôi hiện giờ là hơn 1 triệu đồng (830 x 1,75), trừ tất cả các khoản như bảo hiểm y tế, phí công đoàn, Đảng phí... thì chẳng còn lại bao nhiêu.
Việc trả lương cho cán bộ xã hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập (ảnh minh họa). |
Vợ tôi làm tạp vụ ở một trường học, lương không khá hơn tôi là mấy, trong khi đó tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt... của vợ chồng với 2 con nhỏ ngày một nhiều hơn. Ngoài làm công việc của một công chức, chúng tôi còn phải nuôi thêm gia cầm, trồng lúa để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, khi hỏi anh Tự về những đầu việc anh làm trong ngày, trong tháng thì anh Tự cũng... khó nói vì công việc chủ yếu là phong trào. Ở đây ai cũng biết, nếu so sánh đồng lương công chức với mặt bằng giá cả thị trường thì rõ ràng lương không đủ sống, bèo bọt hơn so với lương của doanh nghiệp tư nhân và những đơn vị có vốn đầu tư của nước ngoài. Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, ai đã làm công chức xã thì vẫn cố gắng “bám” vào.
Một công chức giấu tên chia sẻ: “Đôi khi trong làm ăn, mình cũng nên cần một chỗ đứng nhất định trong xã hội, vì đối tác có thể an tâm hơn khi hợp tác, đặc biệt là mình làm ở cơ quan nhà nước thì độ tin cậy càng cao. Ngoài ra, thời gian làm việc nhà nước cũng rảnh hơn để mình có thể sắp xếp công việc thuận cho việc làm ăn”.
Có một thực tế là nhiều công chức năng lực yếu kém coi việc làm ở xã như là nơi “giải quyết chế độ”. Ông Lò Văn Miên – Phó Chủ tịch xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) đã thẳng thắn nói về công việc của cán bộ tăng cường: “Nhiều khi chúng tôi còn phải làm thêm nhiều đầu việc kiêm nhiệm không tên như đánh máy tính, soạn thảo công văn, giấy tờ, vì cán bộ xã ở vùng cao có người còn chưa phổ cập xong lớp 9 nên năng lực còn rất yếu kém”.
Khi hỏi lãnh đạo địa phương, có người đã tâm sự thật: “Cũng muốn cho một số cán bộ xã năng lực yếu nghỉ nhưng lại rất “vướng”, vì họ đã gắn bó với công việc ở xã từ những ngày còn rất khó khăn”.
Lương thấp cũng... khó chen
Trao đổi với NTNN, ông Tạ Xuân Đoán – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hưng Yên cho rằng “công việc của công chức cấp xã cũng bình thường, không đến nỗi vất vả lắm”.
Ông Đoán cho biết, toàn tỉnh Hưng Yên có 1.776 công chức cấp xã, cũng có nhiều thông tin phản ánh lương của họ còn thấp nhưng vẫn còn một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp muốn thi vào công chức mà không được vì đã hết chỉ tiêu.
Một khảo sát của Bộ Nội vụ tại các bộ, ngành và địa phương mới đây đã cho thấy, hơn 98% ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mức lương cơ bản mà cán bộ, công chức mong muốn là từ 1,5- 4 triệu đồng/tháng, thay vì 830.000 đồng như hiện tại. Trong khi, có nhiều quan điểm lại cho rằng, dù công chức cấp xã phàn nàn về mức lương thấp, nhưng người ta vẫn tìm mọi cách để “chạy” cho được ngồi vào cái ghế công chức, chưa có một con số thống kê nào về những trường hợp cán bộ, công chức xã bỏ việc nhà nước.
Vì thế, nếu vẫn duy trì mức lương “thấp tới mức khó tin” thì phần nhiều là công chức ngồi để “trám chỗ” và làm việc khác, ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện các dịch vụ công ở nông thôn và cải cách hành chính.
Tại một UBND xã ở Hưng Yên chúng tôi có dịp ghé thăm, hơn 14 giờ chiều nhưng tất cả các phòng ban vẫn đóng cửa im lìm. Chúng tôi cũng đã từng bắt gặp cán bộ, công chức xã ngồi “uống nước chè”, chơi cờ buổi sáng, buổi chiều có khi 4 giờ đã vác vợt đi đánh cầu lông.
Mai Trang- Phương Vy