Dân Việt

43 DN bị thu hồi giấy phép XKLĐ: Thu hẹp cách làm kiểu “chộp giật”

Nguyệt Tạ 10/11/2017 06:10 GMT+7
Báo cáo của Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) cho thấy, tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam trong những năm qua có nhiều khởi sắc. Mặc dù vậy, thông tin mới đây cho biết, có tới 43 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép về XKLĐ đã cho thấy, bên cạnh những mảng sáng, thị trường XKLĐ ở Việt Nam đang tồn tại không ít mảng tối.

Doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả?

Thông tin mới nhất (ngày 8.11) được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) công bố cho thấy, có tới 43 doanh nghiệp XKLĐ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động phần lớn là doanh nghiệp đang hoạt động ở Hà Nội, TP.HCM và cả Hải Phòng.

Trao đổi với NTNN, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH) cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động chủ yếu do vi phạm các quy định trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số các sai phạm cụ thể như: Không làm thủ tục đổi giấy phép; doanh không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép không đưa được người đi làm việc ở nước ngoài; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định; không thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài… 

img

  Lao động Việt Nam làm thủ tục trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc. ảnh: Minh Nguyệt

Đáng nói, theo thống kê, cả nước hiện có 302 doanh nghiệp XKLĐ đang hoạt động, nhưng lại có tới 43 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép chiếm tới gần 1/6 tổng số doanh nghiệp XKLĐ. Như vậy, rõ ràng nhiều người sẽ đặt dấu hỏi về chất lượng của hoạt động XKLĐ.

Về vấn đề này, ông Lê Nhật Tân – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD cho rằng không hẳn các doanh nghiệp trả lại giấy phép vì làm ăn khó khăn.

Ông Tân phân tích: “Khó khăn trong XKLĐ lúc nào cũng có. Tuy nhiên, trong khó khăn bao giờ cũng có những thuận lợi. Ví dụ, bên cạnh việc nhiều thị trường bị thu hẹp, thị trường Nhật Bản trước lại đang được mở rộng. Trước đây, chúng ta khó đưa được 1.000 lao động sang Nhật, thế nhưng năm nay chúng ta đã đưa đi hơn 40.000 người”.

Ông Tân cho rằng, khó khăn luôn đi kèm thuận lợi, do vậy nếu có năng lực các doanh nghiệp vẫn bám trụ và vượt qua không đến nỗi phải trả lại giấy phép. “Rõ ràng việc doanh nghiệp thu hồi giấy phép tăng lên kèm theo đó số doanh nghiệp được cấp giấy phép mới cũng tăng lên là tín hiệu tốt cho thị trường XKLĐ. Có thể đây là cách để đổi mới hoạt động XKLĐ nhằm loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đồng thời khẳng định thương hiệu vị thế của các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả” – ông Tân nói.

Xuất khẩu lao động đi sâu vào phần “chất”

Trong năm 2016, Việt Nam có tổng số 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,99% so với năm 2015 và vượt 26,29% so với kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 92.671 lao động (34.907 lao động nữ) đạt 88,26% kế hoạch năm 2017 và bằng 105,25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)

Ông Nguyễn Xuân An – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho rằng, con số 43 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là con số cũ, không mới. Thực tế, chỉ có 2-3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong năm nay. Còn lại 2/3 trong tổng số trên tự trả lại giấy phép vì làm ăn không hiệu quả. Số doanh nghiệp mà Cục Quản lý công bố là con số cộng dồn trong 5-7 năm gần đây.

“Rõ ràng nếu nhìn qua thì sẽ thấy con số đưa người đi làm việc ở nước ngoài của chúng ta liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên lượng doanh nghiệp xin giấy phép cũng nhiều. Trước đây, chỉ hơn 100 nhưng nay hơn 300 doanh nghiệp. Thêm vào đó, thị trường cũng bị thu hẹp lại, chỉ có một số thị trường có khả năng tiếp nhận nhiều lao động như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các thị trường Trung Đông cũng khó đi, nguồn tuyển trong nước cũng rất khó…do vậy doanh nghiệp XKLĐ gặp nhiều khó khăn” – ông An lý giải về việc doanh nghiệp trả lại giấy phép.

Ông An thông tin, thời gian gần đây, khi Hiệp Hội XKLĐ triển khai chương trình việc làm bền vững và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Quy tắc ứng xử này được xây dựng vào năm 2010. Việc giám sát đánh giá được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Kết quả, trong năm 2016, Hiệp hội đã lựa chọn được 86 doanh nghiệp để xếp hạng, trong đó có 37 doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao; 41 doanh nghiệp được xếp hạng 4 sao và số còn lại được xếp hạng 3 sao. Những doanh nghiệp được xếp hạng này đã đưa trên 60% tổng số người lao động đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2016.

“Các doanh nghiệp XKLĐ ngày càng làm ăn uy tín hơn. Trong bối cảnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn, các thị trường cũng ngày càng hẹp lại thì việc nâng cao chất lượng là cách duy nhất để các doanh nghiệp tồn tại bền vững” – ông An nói.