Thí sinh Nguyễn Thị Thành bị loại ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vì thẩm mỹ răng. Ảnh: TL
Cần định nghĩa thế nào là “vẻ đẹp tự nhiên”?
Được tổ chức ngay sau cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 – cuộc thi đang lùm xùm với định nghĩa về “vẻ đẹp tự nhiên” của Hoa hậu nên BTC cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 đã bị giới truyền thông “xoay như chong chóng” qua hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc “dao kéo” của thí sinh ngay tại buổi họp báo công bố cuộc thi. Ông Trường Sơn - Trưởng BTC cho biết, theo quy định hiện hành thì thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam không được phép thẩm mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
PV đặt câu hỏi: Với trường hợp thí sinh từng thẩm mỹ nhưng tại thời điểm thi đã loại bỏ toàn bộ những gì liên quan đến vẻ đẹp nhân tạo và trả lại nguyên trạng thì có được chấp nhận không? Ông Trường Sơn cho hay, tùy vào tình hình thực tế, nếu thí sinh là gương mặt sáng giá thì BTC cuộc thi cùng BGK sẽ bàn bạc để xin ý kiến chỉ đạo. Quyết định cuối cùng là từ Bộ VH-TT&DL.
Ý kiến của Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 vấp phải nhiều đánh giá cho rằng đang có sự không rõ ràng trong quy định dễ dẫn tới chuyện thiếu công bằng. Nên chăng, từ quy định của Bộ VH-TT&DL, các cuộc thi sắc đẹp cần xây dựng những hệ thống quy chuẩn rõ ràng về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc ít nhất, công bố rành mạch những tiêu chí thế nào được coi là “vẻ đẹp tự nhiên”. Còn nhớ, trong chính cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, khi quyết định tước danh hiệu Á khôi của người đẹp Nguyễn Thị Thành vì cô làm răng sứ, Trưởng BTC đã “kêu trời” và cho rằng những quy định về “vẻ đẹp tự nhiên” cần được cụ thể, chi tiết hơn.
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, nhà thơ Hữu Việt - người nhiều năm giữ vị trí “cầm cân nảy mực” tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho biết: “Trước hết, với quy định thí sinh dự thi Hoa hậu phải có vẻ đẹp tự nhiên, chúng ta nên hiểu vì sao cần có quy định ấy, tại sao không “mở cửa” cho cả những vẻ đẹp nhân tạo. Tại thời điểm này, tôi cho đó là quy định phù hợp vì việc can thiệp thẩm mỹ không phải ai cũng có điều kiện. Thế nên, tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh ở khắp vùng miền. Vậy như thế nào là vẻ đẹp tự nhiên?
Mỗi cuộc thi buộc phải có những quy chuẩn rõ ràng, thí sinh đọc và ký vào cam kết. Cũng phải thừa nhận rằng, công nghệ thẩm mỹ bây giờ ngày càng tinh vi. Có những can thiệp không thể phát hiện ra, cũng có những ranh giới rất mù mờ. Chẳng hạn, giữa việc thí sinh từng bị tai nạn, phải phẫu thuật một số chi tiết trên gương mặt để trước hết là phục vụ công năng sinh hoạt hằng ngày với việc “đập đi xây lại” cho nhan sắc khả ái hơn, phát hiện được là cả một vấn đề. Chuyện xác định can thiệp thẩm mỹ ở thí sinh Hoa hậu yêu cầu trước hết là sự trung thực của thí sinh. Chúng ta không thể chấp nhận một người đẹp nói dối. Để lọt thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ là lỗi của BTC, BGK và lỗi lớn ở chính thí sinh”.
Nhà thơ Hữu Việt cho biết thêm, anh đã từng chấm thi nhiều năm, có không ít trường hợp người đẹp lọt qua vòng nhân trắc học nhưng đến sát giờ thi chung kết mới bị loại vì phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Lý do chính là thí sinh đã can thiệp ở quãng giữa, lúc lọt qua vòng ngoài nhờ vẻ đẹp tự nhiên, họ thực hiện thẩm mỹ ở quãng 20 ngày trước khi bước vào đêm chung kết nhưng không ngờ vẫn còn một vòng cuối cùng.
Có tự “mua dây buộc mình”?
Trong khi “cường quốc sắc đẹp” của thế giới như Venezuela ủng hộ thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí còn có những “ông trùm” chuyên dẫn dắt các người đẹp về tiêu chí thẩm mỹ sao cho phù hợp với các cuộc thi quốc tế thì vẫn có những quốc gia “nói không” với vẻ đẹp nhân tạo trong đó có Việt Nam. Colombia và Pháp là hai quốc gia thường xuyên có người đẹp đoạt thành tích cao tại Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ cũng không chấp nhận vẻ đẹp nhân tạo song thí sinh được phép làm răng, quy định không quá khắt khe như Việt Nam. Đã từng có những so sánh chỉ ra sự “thiệt thòi” của người đẹp trong nước dự thi quốc tế nhưng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới – đấu trường chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thì thí sinh Việt Nam để được lựa chọn đi thi lại bước ra từ những cuộc thi không cho phép điều này, phải tuân thủ quy chế quy định thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên, không phẫu thuật thẩm mỹ theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP.
Trước câu hỏi: Với những quy chế hiện thời về các cuộc thi sắc đẹp, chúng ta có tự “mua dây buộc mình”, nhà thơ Hữu Việt bày tỏ: “Đây là chủ đề đã và đang được bàn luận nhiều, có nhiều quan điểm trái chiều nhưng khi được soi chiếu ở mọi góc độ thì đều phần nào có lý. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì nguyên nhân cơ bản tác động đến thành tích của thí sinh Việt Nam khi dự thi quốc tế là trình độ ngoại ngữ chưa tốt, khả năng thuyết trình vấn đề BTC quan tâm chưa ổn, kỹ năng trình diễn còn hạn chế. Ngoài ra, còn các hạn chế khác như chiều cao, hình thể. Với người Việt, cô Hoa hậu nào cao 1,75m đã thấy ổn lắm rồi nhưng đó bình thường với thế giới. Sự khắt khe về quy định cho “vẻ đẹp tự nhiên” có thể tác động ít nhiều nhưng không mang tính quyết định”.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, Hoa hậu Quý bà Thu Hoài cho biết: “Dù là luật cũng phải có những điều chỉnh để theo kịp tiến độ ngành công nghệ làm đẹp bây giờ. Mỗi năm, ngành thẩm mỹ đều có những kỹ thuật mới mà không cần phải sử dụng dao kéo, chẳng hạn như sử dụng sản phẩm tự thân. Nghĩa là quá trình can thiệp thường lấy, chích những gì trên cơ thể để đưa lên chỗ cần sử dụng. Ví như da mặt nhăn, không đầy đặn thì chích lấy mỡ từ đùi, bụng để đẩy lên. Rồi ngực cũng vậy, dùng kỹ thuật tiêm, chích từ chính phần mỡ trong người của họ để đẩy kích thước lên. Về cằm hay mắt, mũi giờ cũng dùng kỹ thuật chích, tiêm là chính không đụng dao kéo. Việc làm trắng da cũng rất khó phát hiện. Vậy nên có kiểm tra cũng không tìm ra việc phẫu thuật thẩm mỹ”. |